Multimedia Đọc Báo in

Nâng tầm bóng đá địa phương: Khó về tài chính

08:47, 29/12/2020

Sau khi được thăng hạng, lên chơi tại Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia (V.League 2) năm 2014, chưa có mùa giải nào mà Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk mạnh dạn đưa ra mục tiêu lên chơi tại V.League 1. Nguyên nhân chính là do đội bóng không có đủ tiềm lực tài chính để hoạt động nếu “được” lên chơi tại giải đấu đỉnh cao nhất này.

Lần gần đây nhất, Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk “ngấp nghé” ở cánh cửa tranh suất play - off lên chơi V.League 1 là vào năm 2018. Ở mùa giải đó, các học trò của Huấn luyện viên Trần Phi Ái đã thi đấu thăng hoa, trở thành đội bóng duy nhất giành 6 chiến thắng liên tiếp và có lúc vươn lên vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng. Người hâm mộ đã tin rằng đội bóng con cưng của mình sẽ ít nhất có cơ hội đá trận play - off  để cạnh tranh một tấm vé lên chơi ở Giải bóng đá vô địch quốc gia. Tuy nhiên, ở những vòng đấu cuối, các cầu thủ có dấu hiệu đuối sức, hụt hơi, để sẩy chân một vài trận và khép lại mùa giải với vị trí thứ 4 chung cuộc. Đó cũng là thành tích cao nhất mà Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk đạt được từ khi lên hạng.

Cổ động viên hâm mộ Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk đến sân vận động Buôn Ma Thuột cổ vũ các cầu thủ thi đấu.
Cổ động viên hâm mộ Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk đến sân vận động Buôn Ma Thuột cổ vũ các cầu thủ thi đấu.

Trong khi người hâm mộ tiếc nuối thì những người am hiểu, làm bóng đá chuyên nghiệp lâu năm lại lo “lỡ” mà Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk lên hạng thì lấy đâu ra kinh phí để nuôi đội. “Hiện mỗi năm đội bóng được cấp khoảng 10 tỷ đồng nên phải tính toán kỹ lắm mới đủ trả lương, thưởng, chi phí đi lại, tổ chức trận đấu cho toàn đội suốt một mùa giải. Nếu lên chuyên nghiệp, số tiền phải “đội” lên gấp 2 lần thì lấy đâu ra, trong khi đó địa phương không kêu gọi được doanh nghiệp tài trợ”, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Võ Thành Danh chia sẻ.

Đó là ở góc độ quản lý, còn ở góc độ chuyên môn, Huấn luyện viên Trương Minh Tiến, người tiếp quản chiếc ghế của thuyền trưởng Trần Phi Ái để lại thì cứ trước mỗi mùa giải lại tất bật, tranh thủ các mối quan hệ để chiêu mộ những cầu thủ tương đối có chất lượng mà không mất kinh phí hoặc “mất không đáng kể” đã là quá vất vả. Và tất nhiên theo quy luật, không có tiền thì không thể chiêu mộ cầu thủ tốt để có thể cạnh tranh với các đội bóng có tiềm lực kinh tế hùng hậu, trong một môi trường bóng đá chuyên nghiệp cạnh tranh hết sức khắc nghiệt như V.League.

Bên cạnh đó, nếu Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk mà “được” lên chơi tại V.League thì cơ sở vật chất của Sân vận động Buôn Ma Thuột cũng chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, yêu cầu theo điều lệ, quy chế của giải. Cụ thể, nếu góp mặt ở sân chơi này, ngoài việc đội bóng phải có tối thiểu 15 tỷ đồng theo quy chế thì Đắk Lắk cần phải đầu tư, cải tạo mặt sân, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng đảm bảo, ghế ngồi phục vụ khán giả… mà chắc chắn kinh phí này không hề nhỏ đối với một địa phương có nguồn thu ngân sách còn eo hẹp .

Tất nhiên, không riêng gì Đắk Lắk mà hầu hết các đội bóng đang chơi tại Giải hạng Nhất quốc gia đều gặp khó về tài chính. Chính vì vậy dễ hiểu trước mỗi mùa bóng khởi tranh, chỉ cần nhìn vào sự chuẩn bị, đầu tư lực lượng của từng đội, nhất là các đội bóng "đại gia" thì có thể nhận diện ngay được những ứng cử viên của suất lên hạng, còn với những đội bóng “thường thường bậc trung”, trong đó có Đắk Lắk thì luôn luôn xác định mục tiêu phù hợp với khả năng là “trụ hạng thành công” khi mùa giải kết thúc. Cho nên với người hâm mộ bóng đá phố núi Ban Mê, giấc mơ được chứng kiến đội bóng tranh tài tại Giải bóng đá vô địch quốc gia chắc còn xa vời.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.