Multimedia Đọc Báo in

Bệnh sởi có nguy cơ quay trở lại

06:34, 17/05/2020

Mặc dù số ca bệnh chưa đến mức báo động, song dịch bệnh sởi rất có nguy cơ quay trở lại khi mà tỷ lệ tiêm phòng cho trẻ em ở nhiều địa phương không đạt mục tiêu đề ra.

Số ca bệnh bắt đầu gia tăng

Năm 2019, dịch bệnh sởi “hoành hành” ở tỉnh ta với hơn 1.700 trường hợp sốt phát ban, trong đó có 385 trường hợp dương tính với vi rút sởi, tăng gần 8 lần so với năm trước đó.

Bước sang năm 2020, bệnh sởi trên địa bàn tiếp tục có diễn biến đáng lo ngại, ngay từ đầu năm đã ghi nhận ca bệnh dương tính với vi rút sởi, trong 2 tháng trở lại đây liên tiếp phát hiện các trường hợp mắc sởi. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 9 trường hợp dương tính với vi rút sởi tại 3 huyện Krông Pắc, Krông Búk và Buôn Đôn. Đáng nói, cả 9 trường hợp này dù nằm trong độ tuổi tiêm chủng nhưng đều không tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.

Ngay sau khi xuất hiện các ca bệnh sởi, ngành Y tế tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh lây lan rộng như: khoanh vùng, cách ly bệnh nhân, xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; đồng thời lập kế hoạch và tổ chức tiêm vét bổ sung vắc xin sởi cho trẻ em từ 1 - 15 tuổi ở những thôn, buôn có ca bệnh.

Một trường hợp dương tính với vi rút sởi điều trị tại cơ sở y tế.
Một trường hợp dương tính với vi rút sởi điều trị tại cơ sở y tế.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), bệnh sởi là bệnh lây truyền mạnh nhất trong tất cả các bệnh truyền nhiễm. Với bệnh Covid-19, từ 1 trường hợp ban đầu có thể lây cho 2,5 trường hợp khác, thì với bệnh sởi, từ 1 trường hợp ban đầu khi đi vào vùng không có miễn dịch có thể lây nhiễm cho 18 trường hợp khác.

Bác sĩ Trịnh Quang Trí cho biết thêm, muốn khống chế bệnh sởi, yêu cầu bắt buộc phải đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95%. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng năm 2019 của toàn tỉnh mới đạt 90%, thậm chí nhiều nơi chỉ đạt khoảng 80 - 85%. Do đó, bệnh sởi vẫn xuất hiện trên địa bàn và tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Khi sởi xuất hiện bắt buộc phải triển khai tiêm chủng bổ sung ở các điểm có ca bệnh. Tuy nhiên, khi có ca bệnh rồi, việc tổ chức tiêm vét để khống chế chỉ là một biện pháp tình thế, còn biện pháp lâu dài bắt buộc phải triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng bao phủ khắp 184 xã, phường, thị trấn và phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng 95% trở lên.

Vẫn còn nhiều vùng "lõm" về tiêm chủng

Trên thực tế, với đặc thù tỉnh miền núi, địa bàn rộng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên để đạt tỷ lệ tiêm chủng 95% là rất khó khăn. Theo thống kê của CDC, hiện toàn tỉnh còn 40 vùng "lõm" về tiêm chủng, tập trung ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại những khu vực này, người dân không hợp tác hoặc đưa con đến tiêm chủng không đầy đủ. Điều này càng khiến cho bệnh sởi có nguy cơ quay trở lại.

Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí cho rằng, trong những năm qua, công tác tiêm chủng cũng gặp những khó khăn nhất định. Thứ nhất là do phản ứng sau tiêm (tùy loại vắc xin mà có phản ứng không mong muốn nhiều hay ít) khiến người dân e ngại, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống. Thứ hai, trước đây cho phép triển khai các điểm tiêm di động, nhưng sau những sự cố về vắc xin và tiêm chủng thì có một thời gian đã khống chế lại, chỉ cho tiêm ở những điểm tiêm tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, dẫn đến người dân ở vùng sâu vùng xa tiếp cận các điểm tiêm chủng khó khăn hơn. Một vấn đề quan trọng nữa là đầu tư nguồn lực. Hiện nay chương trình mục tiêu y tế quốc gia chỉ cung cấp vắc xin và vật tư y tế tiêu hao trong quá trình tiêm chủng, còn công tiêm, điều tra đối tượng hay những vấn đề khác đều dựa vào ngân sách địa phương. Tuy nhiên, những năm qua, do tỉnh còn khó khăn nên nguồn kinh phí này đang thiếu hụt.

Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2019 đến nay, ngành Y tế bắt đầu triển khai lại các điểm tiêm ngoài trạm y tế để người dân có thể tiếp cận đến các điểm tiêm chủng dễ dàng hơn.

Có thể thấy, trong thời tiết hiện nay, bệnh sởi rất dễ phát triển và lưu hành. Trong khi ngành Y tế tỉnh đang nỗ lực triển khai công tác tiêm phòng để nâng cao tỷ lệ miễn dịch, thiết nghĩ người dân cũng phải tích cực hợp tác nhằm ngăn chặn bệnh sởi trong cộng đồng.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.