Multimedia Đọc Báo in

Phòng tránh ngộ độc rượu, bia

08:48, 19/02/2021

Thời gian vừa qua, số người nhập viện do lạm dụng rượu, bia, bị ngộ độc rượu gia tăng, thậm chí đã có trường hợp tử vong do uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngộ độc rượu là do sự lạm dụng rượu vượt quá khả năng hấp thụ của cơ thể. Bên cạnh đó, tình trạng rượu giả, rượu kém chất lượng pha methanol với tỷ lệ cao được bày bán tràn lan khắp nơi, nhất là trong thời điểm cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ rượu, bia của người tiêu dùng tăng cao. Methanol là cồn công nghiệp, khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành formaldehyt và acid formic, hai chất độc này khi đi vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến gan và thận.

Bác sĩ CKII Trình Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Khi chất cồn vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù chỉ rất ít cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và gây nên các bệnh lý liên quan đến gan, rối loạn tâm thần - hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, loét dạ dày - tá tràng, tim mạch...

Khi bị ngộ độc rượu cấp tính, đầu tiên người bệnh có dấu hiệu hưng phấn, bị kích thích, nói nhiều, mất khả năng vận động tự chủ, mất cân bằng, ngồi không vững. Sau đó, khi đã ngấm vào cơ thể, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp, thần kinh khiến người bệnh giảm phản xạ cơ, xương, tri giác, mất ý thức, hạ huyết áp, có thể rơi vào hôn mê. Lúc này, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ rất cao.

Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ bia, rượu tại một cơ sở kinh doanh.
Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ bia, rượu tại một cơ sở kinh doanh.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần kê gối thấp, cho bệnh nhân nằm nghiêng để có thể nôn hết rượu ra mà không bị sặc vào đường thở. Bệnh nhân cần được cho ăn cháo loãng, nằm nghỉ, tránh trường hợp để bệnh nhân đói sẽ bị hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân ngủ lâu không tỉnh hoặc không ăn uống được gì hoặc nôn nhiều thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Khi say rượu, không nên uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Các loại nước mía, nước chanh, cam vắt, nước cà chua, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ… uống nhiều lần sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ. Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả để cung cấp vitamin và chất chống ôxy hóa, hạn chế tác hại của cồn trong rượu với gan.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo mọi người cần thực hiện các nguyên tắc sau: Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 300 trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Mai Lê

 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.