Multimedia Đọc Báo in

Rừng vẫn... "nóng"

08:23, 29/05/2020

Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ (QLBV) rừng, tuy nhiên công tác này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trước tình trạng khai thác lâm sản trái phép và lấn chiếm đất rừng.

Lâm tặc ngày càng manh động

Toàn tỉnh hiện có 514.991 ha rừng, trong đó có 446.222,7 ha rừng tự nhiên, 68.768,3 ha rừng trồng, độ che phủ đạt 38,6%.

Theo ông Đỗ Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, công tác QLBV rừng trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, một số "điểm nóng" về an ninh rừng đã được xử lý, song vẫn còn xảy ra một số vụ khai thác lâm sản trái phép, phá rừng làm nương rẫy gây thiệt hại lớn.

Đơn cử như: từ ngày 9 đến 12-4, trong quá trình tuần tra, lực lượng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông phát hiện tại lô 4, khoảnh 4, tiểu khu 1219 có một số đối tượng đang phá rừng. Mở rộng khu vực kiểm tra tại các lô 8, 9, 11, 13, khoảnh 4, tiểu khu 1219, đội tuần tra phát hiện có 19 cây gỗ pơ mu bị cưa hạ; trong đó 1 cây đã bị lấy đi phần thân, 3 cây bị cắt thành đoạn ngắn, 15 cây còn nguyên tại hiện trường. Qua đo đếm sơ bộ ban đầu, khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường là 37,219 m3.

Lực lượng giữ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông kiểm tra hiện trường một cây pơ mu bị cưa hạ trái pháp luật.
Lực lượng giữ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông kiểm tra hiện trường một cây pơ mu bị cưa hạ trái pháp luật.

Không chỉ phá rừng lấy gỗ, tình trạng phá rừng với mục đích lấn chiếm đất cũng diễn ra phức tạp. Vào ngày 16-1 và ngày 21-1, Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả và UBND xã Ea H’leo kiểm tra, phát hiện 2 vụ phá rừng với diện tích lớn tại tiểu khu 18 và tiểu khu 22 thuộc lâm phần do Công ty này quản lý. Trong đó, tại tiểu khu 18 có 3,75 ha rừng phòng hộ bị phá; còn tại tiểu khu 22 có 2,283 ha rừng sản xuất bị phá.

Đáng quan ngại, lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Gần đây, vào chiều 7-2, sau khi nắm bắt thông tin một nhóm đối tượng dùng xe máy vận chuyển gỗ từ Vườn quốc gia Yok Đôn ra vùng đệm, tổ tuần tra gồm: anh Ngô Lê Nhật Tiến (Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 7) và anh Nguyễn Văn Triều (Kiểm lâm viên Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng - Vườn quốc gia Yok Đôn) đã đuổi theo. Đến khu vực suối Đắk Bùng thuộc xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) thì đuổi kịp những đối tượng này, hai thành viên tổ tuần tra yêu cầu dừng lại nhưng các đối tượng không chấp hành mà tìm cách tẩu tán tang vật. Trong quá trình giằng co, một đối tượng đã dùng gậy đánh vào vùng mặt làm anh Tiến bị thương. Mặc dù gặp phải sự chống trả quyết liệt của nhóm đối tượng vận chuyển gỗ lậu, nhưng hai cán bộ kiểm lâm vẫn giữ lại được 2 xe máy và 4 hộp gỗ, kịp thời ghi hình ảnh để phục vụ công tác điều tra.

Gian nan công tác quản lý, bảo vệ rừng

Theo Báo cáo “Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng năm 2019 và quý I - 2020, phương hướng nhiệm vụ trong những tháng tiếp theo năm 2020” của UBND tỉnh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khai thác lâm sản trái phép và lấn chiếm đất rừng là do gia tăng dân số cơ học ở những vùng dân cư gần rừng khiến nhu cầu đất ở, đất sản xuất ngày một tăng lên; vấn nạn dân di cư tự do vào xâm canh rừng để ở và canh tác (hiện toàn tỉnh có hơn 4.100 hộ dân di cư tự do với khoảng 20.000 nhân khẩu sống trong rừng)… tạo áp lực vô cùng lớn đối với rừng và đất rừng.

Bên cạnh đó là nhu cầu về gỗ tự nhiên ngày càng tăng, giá trị các loại gỗ cũng tăng theo nên lâm tặc tìm mọi cách để khai thác trái phép gỗ rừng. Trong khi đó, các nguồn lực đầu tư cho công tác QLBV và phát triển rừng còn hạn chế như: chưa có kinh phí để UBND xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng; nhiều công ty lâm nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới hoạt động chưa hiệu quả dẫn đến chế độ đãi ngộ, lương, phụ cấp cho cán bộ công nhân viên không đảm bảo ảnh hưởng đến tinh thần trách nhiệm của những người làm tác QLBV rừng, đã có một số cán bộ, nhân viên giữ rừng xin nghỉ việc…

Từ đầu năm 2020 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý 345 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 425,4 m3 gỗ và 235 phương tiện các loại, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2,8 tỷ đồng.

Ông Đỗ Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác QLBV và phát triển rừng, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 3413/QĐ-UBND ngày 12-12-2017 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8-8-2017 của Chính phủ và Chương trình số 13-CTr/TU ngày 19-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QLBV rừng và phát triển rừng; Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 6-1-2020 và Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 16-1-2020 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển, phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng giữ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông tuần tra bảo vệ rừng.
Lực lượng giữ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông tuần tra bảo vệ rừng.

Trong đó yêu cầu các ngành chức năng, địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong QLBV và phát triển rừng; kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về QLBV và phát triển rừng; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về lâm luật, đặc biệt là “đầu nậu” khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; rà soát, thu hồi diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép; quản lý chặt chẽ dân di cư tự do. Đồng thời tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển rừng; tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm QLBV rừng, người đứng đầu thiếu trách nhiệm dẫn đến rừng bị phá, đất rừng bị xâm chiếm trái pháp luật… Qua đó, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp để tăng độ che phủ rừng đạt 38,74% năm 2020; cải thiện, nâng cao chất lượng rừng nhằm đáp ứng các yêu cầu kinh tế, phòng hộ, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học.

 Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.