Multimedia Đọc Báo in

Vị thế Buôn Ma Thuột

15:15, 31/05/2020

Buôn Ma Thuột hôm nay đóng vai trò là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, tạo động lực thúc đẩy và phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung.

Có được vị thế ấy, đô thị vùng sơn nguyên này đã trải qua những dấu mốc lịch sử đáng nhớ gắn liền với những con người, sự kiện cụ thể trải dài hơn 100 năm qua. Cho dù những con người, sự kiện ấy là ai, ra sao (được soi rọi dưới góc nhìn nào) thì đều gặp nhau ở điểm chung là tình yêu của họ dành cho đô thị này trong quá trình hình thành và phát triển.

Từ năm 1904, tỉnh lỵ Đắk Lắk từ Buôn Đôn được chuyển về buôn của ông Ama Thuột và cái tên Buôn Ma Thuột hình thành từ đó. Trong tập chuyên khảo về Dư địa chí Đắk Lắk (Mounographie de la Province du Darlac), xuất bản vào năm 1930 tại Pari, học giả A. Monfelleur cho biết, người có ý tưởng, tầm nhìn chiến lược này chính là “Vua Voi” Khunjunop, người mang hai dòng máu M’nông - Lào sinh ra và lớn lên tại Buôn Đôn. Lúc đó ông đã nhận ra vị thế quan trọng của vùng đất này, nó không chỉ thoáng đãng về không gian phát triển, mà còn có thể dễ dàng kết nối với những vùng khác để trở thành trung tâm phát triển của cả một xứ cao nguyên rộng lớn và đầy triển vọng. Là người có uy tín và nổi tiếng trong cộng đồng các dân tộc bản xứ, nên tham vấn của Khunjunop được Công sứ Bourgeois ghi nhận và đề đạt lên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho thực hiện việc chuyển đổi tỉnh lỵ Đắk Lắk như đã nêu. 

Diện mạo đô thị Buôn Ma Thuột hôm nay. Ảnh: Hoàng Gia
Diện mạo đô thị Buôn Ma Thuột hôm nay. Ảnh: Hoàng Gia

Được biết, từ khi chuyển tỉnh lỵ Đắk Lắk về Buôn Ma Thuột, lần lượt các vị công sứ tại nhiệm (từ Leon Bourgeois, Charles Bardin, Henri Besnard, Louis Cottez và đặc biệt là Sabatier) đã tích cực thực hiện chỉ dẫn trên của “Vua Voi” nhằm biến đô thị này trở thành “thủ phủ” vùng Tây Nguyên. Ở đây có một điều khá thú vị về quá trình hình thành và phát triển Buôn Ma Thuột dưới thời cai trị của Công sứ Sabatier (từ năm 1913 – 1926): Nhiều tài liệu cho thấy thời điểm vị công sứ kiêm nhà nghiên cứu văn hóa, dân tộc học Tây Nguyên tài hoa và đầu tiên này đến đây nhậm chức thì trung tâm tỉnh lỵ vẫn còn đặt ở khu thung lũng buôn Alê A (phường Ea Tam) bây giờ. Lúc đó, Sabatier nhận ra một điều quan trọng và cần thiết là phải tổ chức, quy hoạch lại cho trung tâm này theo hướng kết nối, mở rộng hơn trên toàn vùng, chứ không bó hẹp trong những buôn làng do các tù trưởng cai quản.

gã Sáu  Buôn Ma Thuột xưa. Ảnh:  Bảo tàng Đắk Lắk  sưu tầm
Ngã Sáu Buôn Ma Thuột xưa. Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk sưu tầm

Vị trí trung tâm dưới thời Công sứ Sabatier được dịch lên khu Biệt điện Bảo Đại ngày nay và ngày càng mở rộng về hướng Tây Nam và Đông Bắc hiện hữu. Tầm nhìn này được A. Monfleur mô tả: “Chỉ cần chuyển lên một bình nguyên rộng và đẹp cách đó (tức buôn Alê A - PV) chừng 500 m, Buôn Ma Thuột đang mơ ngủ dưới một thung lũng bức bí, bỗng bừng tỉnh dậy... Đó là sự sáng tạo, sự cương nghị đáng kính của nhà cai trị tài năng này, ông thực sự tạo cho Buôn Ma Thuột một thế đứng khác hẳn...”. Tiếp theo những năm sau đó, Sabatier đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát địa hình, địa mạo một cách tỉ mỉ và nghiêm túc để lập đồ án quy hoạch, tổ chức phát triển không gian cho đô thị Buôn Ma Thuột dựa trên các yếu tố địa lý, nhân văn đặc thù. Trong đó điều quan trọng nhất và được xem là di sản để lại cho hậu thế chính là quy hoạch, kiến trúc “buôn trong phố” gắn kết với cảnh quan rừng, bến nước, tập tục sinh hoạt và những thực hành văn hóa truyền thống của tộc người tại chỗ. Nhờ vậy, đến giờ đô thị miền núi này vẫn mang trong mình bản sắc độc đáo, ít thành phố nào có được.

Cấu trúc đô thị Buôn Ma Thuột đến năm 2025 là tập trung phát triển khu vực nội đô - gồm các đô thị hiện hữu và các khu đô thị mới, có tổng diện tích khoảng 11.000 ha, trong đó quỹ đất dành cho hạ tầng kỹ thuật là 1.100 – 1.200 ha. Theo đó là vành đai xanh bao quanh thành phố, bao gồm vùng chuyên canh cây nông nghiệp với công nghệ cao, vùng tái tạo và trồng mới rừng, các công - lâm viên cũng như những khu du lịch sinh thái cận kề với diện tích hơn 26.800 ha. (Nguồn từ Sở Xây dựng)

Buôn Ma Thuột đã đi qua hơn 100 năm có lẻ với những biến chuyển lịch sử dữ dội, đến nay đô thị này đã hiện ra một hình hài mới: hiện đại, năng động, hội nhập và giàu bản sắc. Từ những thập niên 90 thế kỷ trước cho đến những năm gần đây, chính quyền địa phương phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo nhằm quy hoạch, phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị đóng vai trò trung tâm vùng Tây Nguyên đúng như mong mỏi của những người đi trước.    

Biệt Điện  Bảo Đại xưa.  Ảnh: Bảo tàng  Đắk Lắk sưu tầm
Biệt Điện Bảo Đại xưa. Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk sưu tầm

Còn nhớ, tại Hội thảo khoa học “Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột” được tổ chức vào đầu tháng 3-2017, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã thống nhất “kịch bản” phát triển đô thị này theo hướng kết nối đồng bộ (Hub City) về kinh tế, giao thông, thương mại, công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, y tế và thể thao trong khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung - Nam bộ. "Kịch bản” này được UBND tỉnh Đắk Lắk trình lên Bộ Xây dựng thẩm định và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại “Đề án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025” với yêu cầu, quyết tâm cao đặt ra: Buôn Ma Thuột phải có hạ tầng giao thông, kỹ thuật bảo đảm cho sự kết nối trên. Trong đó cần tập trung ưu tiên việc xây dựng và quy tụ các đầu mối giao thông theo quy hoạch cấp vùng. Hệ thống giao thông và khung hạ tầng kỹ thuật này nhằm tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư cho các khu đô thị mới với các điểm nhấn là các trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế đóng vai trò kích cầu cho 5 tỉnh trong khu vực và cả vùng Duyên hải miền Trung.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.