Multimedia Đọc Báo in

Giết mổ gia súc cũng phải… nhân đạo

09:04, 22/06/2015
Trước đây, trâu bò chủ yếu được nuôi để lấy sức kéo phục vụ sản xuất, nay nhờ có máy móc làm việc thay nên người ta chuyển hướng sang nuôi trâu bò để lấy thịt. Các giống bò nội địa nhỏ bé đang dần được thay thế bởi các giống bò ngoại nhập, vóc dáng to lớn cùng quy trình chăn nuôi, giết mổ đạt chuẩn quốc tế.
 
Mới đây, trong một chuyến công tác tới trang trại chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn Úc (Công ty TNHH Liên hợp công – nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ), chúng tôi được biết, bò không chỉ có “súc quyền” trong quá trình nuôi, với chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, được bảo vệ… mà còn có quyền được chết một cách nhân đạo. Khi giết mổ, gia súc được lùa vào khu vực riêng, không được dùng roi, gậy, nước dội hay nắm đuôi kéo để con vật không cảm thấy đau đớn trước khi chết. Ông Đặng Thái Nhị, Giám đốc Công ty cho biết, trước đây, trâu bò được kích điện cho chết nhanh để giảm thiểu sự đau đớn cho chúng và rút ngắn thời gian giết mổ, nhưng máu đông lại trong thịt khiến màu sắc, chất lượng thịt giảm sút. Với quy trình giết mổ theo tiêu chuẩn Úc, nhân viên tiến hành bắn súng hơi vào tử huyệt, sau đó kiểm tra đồng tử của bò, nếu còn dấu hiệu của sự sống thì dùng súng cầm tay bắn tiếp vào tử huyệt. Quy trình này không chỉ rút ngắn thời gian giết mổ mà còn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng thịt bò thành phẩm. Đây là một trong những điều kiện khắt khe nhất mà người nuôi phải bảo đảm trước khi nhập bò Úc về nuôi, bởi vóc dáng bò Úc cao lớn (gần 1 tấn/con), bảo vệ súc quyền cũng chính là bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người chăn nuôi, người tiêu dùng.

Trái với quy chuẩn trên, thỉnh thoảng vẫn nghe đâu đó trên các phương tiện truyền thông đại chúng thông tin về một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở xứ ta, chỉ vì chút lợi trước mắt mà có những hành động vi phạm pháp luật như bơm nước ao, giếng vào bụng trâu, bò, gà, vịt… để tăng cân giả tạo, hưởng chênh lệch, bất chấp luật pháp, mọi chuẩn mực đạo đức, sức khỏe cộng đồng... Thiết nghĩ, ngành chăn nuôi cần phải siết chặt hơn mọi hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm để nâng cao chất lượng thịt thành phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc