Multimedia Đọc Báo in

Đừng quá cả tin!

07:52, 13/06/2015
Trên đường đi làm về, tôi gặp một cậu bé chừng 13-14 tuổi đứng trên vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành, mặc đồng phục học sinh, đội mũ, bịt khẩu trang, đeo một chiếc ba lô nhỏ ra tín hiệu xin đi nhờ. Thấy vậy, tôi đã dừng xe và chở em đi cùng.
 
Trên đường đi, tôi có trò chuyện và hỏi thăm hoàn cảnh gia đình em. “Được lời như cởi tấm lòng”, em bắt đầu kể lể rất đáng thương, nào là bố mẹ đều đã mất do bị tai nạn giao thông, em ở với dì và bà ngoại nhưng dì mới đi lấy chồng, bà lại đang ốm nặng phải nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh. Trước hoàn cảnh éo le và cách nói chuyện lễ phép của em khiến tôi rất thương cảm. Khi dừng xe ở cổng bệnh viện, em ngỏ lời: “Cô cho cháu xin mấy chục ngàn để mua cơm ăn và tí nữa đi xe buýt về nhà. Bà cháu ốm cả tuần nay, cứ học xong cháu lại tranh thủ đi xe buýt, xe thồ lên thăm bà nên hết cả tiền ăn”. Tôi liền cho em 50.000 đồng.

Khoảng 1 tuần sau, trên đường đi làm về, tôi cũng cho một cậu bé đi nhờ xe, nhưng thật không ngờ lại chính là cậu bé hôm trước. Và kịch bản lặp lại như cũ: kể lể hoàn cảnh gia đình éo le để tiếp tục xin tiền, lúc đó, tôi đã lờ mờ nhận ra động cơ thực sự của em. Vì nghĩ lòng tốt của mình đặt không đúng chỗ, tôi đã rất bực mình: “Vậy là hôm trước cháu đã lừa cô phải không? Cháu làm như vậy với bao nhiêu người rồi? Cháu còn nhỏ, lo mà học hành, không nên tìm cách lừa lọc người khác”. Nghe tôi nói vậy, cậu bé đỏ mặt bỏ đi. Tưởng chừng mọi chuyện đã kết thúc, nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn nhìn thấy cậu bé trong bộ dạng đó, đứng trên vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành tiếp tục vẫy xe xin đi nhờ…

Qua câu chuyện trên, thiết nghĩ, mọi người hãy đề cao cảnh giác, đừng quá cả tin kẻo có ngày “tiền mất tật mang”, bởi lỡ cậu bé đó không chỉ xin tiền mà trong quá trình đi nhờ xe, biết đâu “túng quá làm liều” nếu không may xảy ra thì đã muộn rồi!

 Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc