Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn đảng viên quân hàm xanh

08:42, 26/02/2020

Hơn một năm thực hiện Chỉ thị 681-CT/ĐU ngày 8-10-2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về việc “Phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới” (gọi tắt Chỉ thị 681), đảng viên quân hàm xanh đã để lại dấu ấn trong xây dựng biên giới ngày càng phát triển, vững mạnh.

Triển khai đồng bộ, chặt chẽ

Bộ đội Biên phòng tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới giáp với Campuchia dài hơn 73 km. Khu vực biên giới của tỉnh có 4 xã, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 68%. Ngay sau khi có Chỉ thị 681, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức quán triệt tới cấp ủy, chỉ huy các đơn vị.

Trên cơ sở đó, các đơn vị đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát đối tượng hộ gia đình, tiến hành phân loại nhóm. Các đơn vị căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ của đảng viên để phân công phụ trách hộ gia đình cho phù hợp. Quá trình thực hiện, lực lượng luôn xác định rõ mục tiêu phân công đảng viên phụ trách phải bao quát được địa bàn, nhưng có trọng tâm, trọng điểm.

Việc phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình gắn với việc thực hiện các chương trình, cuộc vận động như: phong trào thi đua “Bộ đội Biên phòng chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em đến trường”… nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh ở khu vực biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Đại tá Phạm Hữu Chiến, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, triển khai Chỉ thị 681, các đơn vị đã phối hợp rà soát, lựa chọn 334 gia đình, giao nhiệm vụ cho 75 đảng viên phụ trách. Cụ thể, mỗi chỉ huy đơn vị phụ trách từ 2 – 3 hộ; mỗi cán bộ vận động quần chúng, trinh sát, phòng chống tội phạm và ma túy phụ trách từ 5 – 7 hộ gia đình; cán bộ tăng cường xã phụ trách 7- 9 hộ gia đình. Trong đó tập trung vào các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách; gia đình có mối quan hệ chính trị - xã hội phức tạp, dễ bị lợi dụng, kích động. Bám nắm địa bàn hiệu quả, đa số đảng viên hiểu rõ hoàn cảnh, mối quan hệ từng gia đình. Bộ đội thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, tạo sự gần gũi, thân thiết, nhờ đó các gia đình thêm yên tâm và mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng.

Trách nhiệm và tận tụy

Là nhân viên vận động quần chúng, Trung úy Phùng Văn Hai (Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ea H’leo) được giao phụ trách 5 hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách và hộ nghèo trên địa bàn thôn Ba Tri và Giồng Trôm (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp). Địa bàn xã rộng, điều kiện giao thông còn khó khăn, nên có khi anh phải đi cả chục cây số vòng vèo mới đến điểm đích. Dù vậy, với phương châm “3 bám 4 cùng”, anh Hai đã sớm được các gia đình tin tưởng, gần gũi như tình thân ruột thịt.

 
“Qua hơn một năm thực hiện Chỉ thị 681, mối liên hệ giữa đảng viên và gia đình thêm gần gũi, sâu sắc. Hầu hết các hộ gia đình được giúp đỡ có những chuyển biến tích cực về cả vật chất lẫn tinh thần; một số tệ nạn xã hội hay việc vi phạm quy chế biên giới đã giảm hẳn và đặc biệt, tình quân – dân vùng biên ngày càng khăng khít, đoàn kết, gắn bó”.
 
Đại tá Phạm Hữu Chiến, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Năm 2004, vợ chồng ông Ngô Văn Hoành rời Bến Tre lên miền đất mới xã Ia Lốp sinh sống. Tuổi già, nhưng ông bà còn phải chăm thêm 3 đứa cháu nhỏ cho các con đi làm ăn xa. Để có thêm kế sinh nhai, mỗi ngày, ông bà còng lưng làm ruộng vườn, rồi buôn bán thêm bánh trái lặt vặt. Đồng cảm với gia đình, các chiến sĩ quân hàm xanh thường xuyên đến thăm, động viên, giúp đỡ ngày công lao động, nhận đỡ đầu một cháu đang đi học với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Ông Hoành xúc động: “Gần như mọi việc trong gia đình đều có bàn tay giúp đỡ của các chú. Đợt lũ vừa rồi, nước dâng lên tới nửa nhà, giữa lúc nguy nan, may mà các chú có mặt kịp thời giúp đỡ…".

Sự tin yêu của ông Hoành cũng là tình cảm của nhiều bà con vùng biên dành cho người chiến sĩ quân hàm xanh. Kể từ khi thực hiện Chỉ thị 681, các anh đã vận động được 36 học sinh bỏ học quay lại trường tiếp tục học tập, giúp các gia đình 252 ngày công lao động. Đặc biệt, trong sự thành công của các chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em đến trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”… trên dải đất nắng gió đều in dấu sự nỗ lực, cố gắng của các anh.

 Trung úy  Phùng Văn Hai thăm vườn  cây trái của  gia đình  ông Ngô Văn Hoành.
Trung úy Phùng Văn Hai thăm vườn cây trái của gia đình ông Ngô Văn Hoành.

 Đến với dân bằng sự tận tụy và trách nhiệm, các anh tích cực tham gia triển khai các mô hình, việc làm giúp dân, trong đó mới nhất là triển khai mô hình “Trồng sả lấy tinh dầu”, “Tay kéo biên phòng”, “Trồng cây hương nhu trắng lấy tinh dầu”...  Thông qua tuyên truyền, các anh giúp bà con nhận thức được việc đúng sai, qua đó cung cấp nhiều thông tin có giá trị về bảo vệ biên giới, các hoạt động vi phạm pháp luật. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự và tệ nạn xã hội trên địa bàn ổn định, năm 2019 đã giảm 17 vụ với 30 đối tượng so với năm 2018.

Quỳnh Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.