Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn và "giữ hồn" những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên

08:04, 11/04/2015
Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như Êđê, Gia Rai, Bana, M’nông... đều có tín ngưỡng vạn vật hữu linh, xem các hiện tượng sự vật tồn tại đều có thần. Các thần linh chi phối mọi mặt đời sống, nên trong chu kỳ năm cũng như chu kỳ đời người, trong lúc may mắn cũng như lúc rủi ro, đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều tục cúng bái, nhiều điều kiêng kỵ và thế ứng xử của con người là phải có các nghi thức cầu cúng, lễ nghi phù hợp để ngăn ngừa điều xấu, mong ước điều lành. Lễ hội là cái nôi hình thành, nuôi dưỡng di sản văn hóa tộc người.

Mỗi dân tộc đều có hệ thống lễ hội khác nhau. Dân tộc Êđê có những lễ hội tiêu biểu như: Lễ cúng cơm mới, Lễ cúng thần lúa, Lễ cúng bến nước, Lễ cúng thần đất, Lễ cầu mưa... Đặc biệt, Lễ mừng nhà mới và rước kpal là lễ nghi quan trọng của đồng bào. Trong nhà dài Êđê bao giờ cũng có chiếc ghế kpal để ngồi đánh chiêng. Để làm nên chiếc ghế này, chủ nhà nhờ bà con trong làng, những trai tráng khỏe mạnh vào rừng tìm gỗ để chế tác thành ghế kpal. Khi làm xong chiếc ghế, đồng bào thường tổ chức lễ rước linh đình từ rừng về nhà. Chiêng trống được đánh lên, các cô gái múa hát xung quanh đoàn người rước kpal, mừng chủ nhà có ghế mới. Khi kpal được đưa về nhà, chủ nhà mổ trâu cúng tổ tiên ông bà và cúng thần ghế kpal.

Uống rượu cần trong lễ hội của dân tộc Gia Rai.
Uống rượu cần trong lễ hội của dân tộc Gia Rai.

Dân tộc Gia Rai có một số lễ hội dân gian tiêu biểu liên quan đến chu kỳ canh tác nương rẫy; vòng đời người và các lễ hội cộng đồng... Trong lễ nghi vòng đời người, đáng chú ý là Lễ cầu sức khỏe, Lễ thổi tai, Lễ cưới chồng, Lễ tang, đặc biệt là Lễ bỏ mả (Pơ thi) được tổ chức vào cuối năm. Lễ hội Pơ thi của người Gia Rai là lễ hội đông vui nhất với nhiều hoạt động như múa xoang, múa rối cạn, diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ và nghệ thuật điêu khắc, tạc tượng gỗ, trang trí làm đẹp cho chỗ yên nghỉ của người quá cố.

Dân tộc M’nông có một số lễ hội tiêu biểu về vòng đời như Lễ kết nghĩa anh em, Lễ cưới, Lễ tang... và lễ nghi nông nghiệp như Lễ cúng lúa đầy bồ, Lễ tâm ngết... Đặc biệt, Lễ tâm ngết là lễ hội lớn nhất của người M’nông. Đây là dịp để bà con sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa của cộng đồng. Những tập tục, nghi lễ trang nghiêm được thực hiện, mọi người như được gần nhau hơn để chia sẻ tình cảm, giúp đỡ nhau trong công việc, làm ăn. Các già làng, nghệ nhân trổ tài biểu diễn nghệ thuật như thổi kèn, diễn tấu cồng chiêng, hát sử thi ot ndrong, kể chuyện cổ tích và sáng tạo những tác phẩm trang trí hoa văn, điêu khắc tượng gỗ, trang hoàng cây nêu, cột lễ.

Biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội Mnông
Biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội M'nông

Trong di sản văn hóa tộc người, lễ hội là một nhân tố nổi trội nhất. Lễ hội hàm chứa một tổng thể diễn xướng và nghi lễ mang đậm dấu ấn nguyên thủy với tư duy hồn nhiên, từ cách bài trí đến cách thức cúng, cách thức thực hiện nghi lễ và vui chơi. Lễ hội là môi trường kết nối cộng đồng, cùng nhau hướng đến cuộc sống tốt đẹp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái… Tuy nhiên, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ mai một. Các lễ hội nói trên dần dần thưa vắng trong đời sống cộng đồng. Một số địa phương đứng ra tổ chức lễ hội, người dân tham gia với vai trò thụ động. Những lễ hội lớn tiêu biểu của cộng đồng không còn thì tất yếu những di sản quý giá của tộc người cũng bị mai một theo.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang sở hữu những tinh hoa di sản, nhất là các lễ hội truyền thống, góp phần làm giàu có và phong phú vốn văn hóa của mình. Để bảo tồn và phát huy loại hình di sản văn hóa này, cần đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, thực hiện các đề tài khoa học, quy hoạch các lễ hội, khuyến khích đồng bào tổ chức tốt các lễ hội dân gian gắn với các hoạt động văn hóa thể thao ở các thôn bản. Tiến hành thực hiện tư liệu hóa bằng hình ảnh để lưu trữ lâu dài, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá lễ hội. Tổ chức phục dựng một số lễ hội tiêu biểu tại các điểm có hoạt động du lịch để cộng đồng tham gia. Giới thiệu, tái hiện các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào trong Lễ hội Văn hóa thể thao các dân tộc, Liên hoan cồng chiêng, Liên hoan nghệ thuật quần chúng. Quan tâm bồi dưỡng, chăm sóc đội ngũ nghệ nhân dân gian - những người làm nên linh hồn của lễ hội truyền thống dân tộc.

 Tấn Vịnh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.