Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về những ngôi mộ voi tại Dak Lak

16:19, 26/03/2015

Trong tâm khảm của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng, voi được xem như người bạn, người thân và được tôn sùng với nhiều ý nghĩa tâm linh. Cũng chính vì lẽ đó, khi voi chết, người ta đã không ngần ngại bỏ ra nhiều tiền của xây mộ cho voi với mong muốn khi chúng “yên nghỉ” cũng luôn gắn bó với buôn làng…

Bà Lê Thị Thanh Hà, Giám đốc công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn (buôn N’drếch, xã Ea Huar, Buôn Đôn) rất tự hào khi kể về voi  Pắc Kú và H’Panh  khi chúng còn sống. Voi Pắc Kú được những gru (thợ săn voi) ở Bản Đôn bắt được vào mùa hè năm 1978. Sau gần 6 tháng thuần dưỡng, chú đã trở thành thành viên của đàn voi nhà Bản Đôn. Với cá tính hiền lành, thân thiện và thông minh, Pắc Kú được người dân trong buôn làng và đám trẻ rất yêu thích. Chẳng bao lâu, Pắc Kú đã trưởng thành, hằng ngày chăm chỉ công việc nương rẫy và xuất sắc trong những lần cùng các gru lâm chinh. Năm 1988, Pắc Kú được một người ở huyện Chư Sê (Gia Lai) đổi những vật quý mang về. Đầu năm 2009, sau 21 năm xa đàn và buôn làng quen thuộc, Pắc Kú được đón về làm việc tại Khu du lịch sinh thái Bản Đôn. Còn H’panh là voi cái do Ama Kông bắt được, thuần dưỡng rồi bán cho một người dân ở Krông Pak. Vào năm 2003, Khu du lịch sinh thái Bản Đôn mua lại H’Panh để nuôi dưỡng và phục vụ du lịch. Trong một lần đưa đoàn khảo sát, khám phá tour du lịch trên dãy núi xa, H’panh đã phát hiện một đàn thú dữ và lập tức báo hiệu cho đoàn biết, sau đó đưa mọi người về nhà an toàn sau gần 2 ngày lạc trong rừng…

Ông Lê Văn Quyết (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lak) thắp hương  mộ voi của gia đình mình.
Ông Lê Văn Quyết (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lak) thắp hương mộ voi của gia đình mình.

Cũng chính vì yêu thương voi như người thân trong gia đình mà khi Pắc Kú và H’Panh “nằm xuống”,  bà Hà đã bỏ ra khoảng 400 triệu đồng để xây mộ cho hai con voi ngay trong khuôn viên của khu du lịch. Nơi an nghỉ của Pắc Kú và H’Panh được đắp bằng xi măng theo thế voi phục nằm cạnh nhau, tọa lạc trên khu đất rộng chừng 50 m2. Sau mỗi mộ đều dựng tấm bia đá rất to ghi tóm tắt “lý lịch” cũng như những “công trạng” nổi bật khi voi còn sống. Bà Hà kể: “Vào tháng 5-2010, trong một đêm đi ăn, voi H’panh bị ngộ độc vỏ cây ngành ngạnh. Sau một tuần chữa trị, voi H’Panh đã mãi mãi ra đi ở tuổi 55. Mọi người trong buôn chưa kịp nguôi ngoai sau cái chết của H’ Panh, thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, cả Bản Đôn gần như chết lặng khi nghe tin voi Pắc Kú bị kẻ xấu chém 217 nhát rìu và búa, khiến nó bị thương rất nặng. Để chữa chạy cho Pắc Kú, gia đình đã liên hệ nhiều nơi, mời các bác sĩ thú y trong nước lẫn nước ngoài. Nhưng vì vết thương quá nặng Pắc Kú đã trút hơi thở cuối cùng vào tháng 1- 2011 ở tuổi 33.

Từ khi xây mộ cho voi, nhiều du khách đến đây đều ghé đặt những bông hoa hay thắp nén hương tỏ lòng thương tiếc. Những lúc không có khách tham quan, Khu du lịch cử nhân viên dọn dẹp vệ sinh, thắp hương đều đặn. Hiện nay, ở Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, ngoài việc tổ chức các hình thức du lịch truyền thống như tham quan nhà dài, nghe nghệ nhân hát, chơi nhạc cụ truyền thống, cưỡi voi khám phá dòng Sêrêpôk…, thì khu mộ voi cũng trở thành một địa điểm du lịch mang vẻ riêng biệt, mới mẻ.

Không được đầu tư nhiều tiền của như Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, các ngôi mộ voi tại huyện Lak nằm tĩnh lặng, trang nghiêm bên cạnh hồ Lak hoang sơ, thơ mộng. Khi biết chúng tôi có ý định đi thăm các ngôi mộ voi tại đây, vợ chồng ông Lê Văn Quyết và bà H’Ang RơYam (ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn) chủ của voi H’ Khun, vẫn không giấu được vẻ đau buồn.

Trong khi bà H’Ang đi chuẩn bị hương, hoa, chuối, mía… để vào thăm mộ voi, thì ông Quyết ngồi tâm sự với chúng tôi những câu chuyện về voi H’Khun khi còn sống. “Voi H’Khun ngày xưa hiền lành và thông minh lắm. Nó sống với gia đình chúng tôi từ ngày còn bé xíu. Cả dòng họ tôi xem nó như là một thành viên, một người thân trong gia đình”- ông Quyết trầm ngâm nhớ lại. Sau khi chuẩn bị xong đồ cúng, chúng tôi theo chân vợ chồng bà H’Ang đi thăm mộ voi. Ngôi mộ voi nằm trên ngọn đồi bên cạnh hồ Lak, rộng chừng 60m2, bao quanh là hàng rào thép B40 được khóa cẩn thận. Bày biện các đồ ăn mà H'Khun thích lên bàn thờ, vợ chồng bà H’Ang thắp hương xong rồi tâm sự: Vào năm 2011, voi H’Khun bị kẻ xấu chặt đứt đuôi khi đang đi ăn. Do bị mất máu quá nhiều cộng với tuổi cao nên H’Khun đã chết ở tuổi 60. Cũng vì tiếc thương nên gia đình đã tổ chức đám tang cho H’Khun trước sự chứng kiến của đông đảo người trong buôn và du khách. Chúng tôi chuẩn bị rượu cần, gà, heo theo đúng tập tục của người đồng bào để tổ chức tang lễ cho voi. Thầy cúng đọc lời khấn để cầu cho linh hồn H’Khun được siêu thoát. Xong xuôi mọi thủ tục, gia đình thuê máy múc đào đất để chôn cất voi. “Vào các ngày lễ, rằm… mọi người đều tới thắp hương, dọn dẹp mộ cho H’Khun. Mọi người trong gia đình đều xem nó như là một người thân, là con cái trong nhà”, - bà H’ Ang ngậm ngùi tâm sự.

Những ngôi mộ voi tại Dak Lak dù được đầu tư tiền của và công sức khác nhau, nhưng đều mang một ý nghĩa thiêng liêng, trân trọng của chủ voi cũng như bà con buôn làng nơi voi sinh sống. Qua việc xây dựng mộ cho voi, họ thể hiện tình yêu thương đối với loài động vật thông minh mà hiền lành này.

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.