Multimedia Đọc Báo in

Thổi hồn cho tượng gỗ

10:22, 13/03/2015

Qua đôi bàn tay khéo léo của 37 nghệ nhân tham gia hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên đến từ các tỉnh: Dak Lak, Gia Lai, Kon Tum, đời sống sinh hoạt, văn hóa của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên đã được tái hiện sinh động và chân thực. 

Với chủ đề “Văn hóa Tây Nguyên”, đây là dịp các nghệ nhân thể hiện hết tài năng để tái hiện mọi hoạt động trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Mỗi người theo đuổi một ý tưởng, cố gắng trau chuốt với mong muốn những thông điệp mà mình gửi gắm trong tác phẩm được toát lên nổi bật nhất. Với hình ảnh “Mẹ ôm con”, nghệ nhân Ksor H’nao đến từ làng Plei Kep (phường Đống Đa, TP. Pleiku) không chỉ mang đến cho người xem cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng mà còn giúp người xem hiểu thêm về vai trò quan trọng của người phụ nữ trong đời sống cộng đồng của các dân tộc thiểu số bản  địa.
Nghệ nhân Ksor H'nao (Gia Lai) đang trau chuốt cho tác phẩm
Nghệ nhân Ksor H'nao (Gia Lai) đang trau chuốt cho tác phẩm "Mẹ ôm con" của mình.

Với bức tượng “Ông già đi rẫy”, nghệ nhân A Hương ở xã Dak Trăm (huyện Dak Tô, Kon Tum) đã tái hiện sinh động hoạt động lao động sản xuất của người dân tộc Sê Đăng. Các bức tượng khác về phụ nữ địu con lên rẫy… của nghệ nhân A Khúc, A Bin vừa tái hiện cuộc sống lao động sản xuất hằng ngày vừa mang đến thông điệp mong muốn con cháu hăng say lao động để không còn đói nghèo. Nghệ nhân trẻ Y Think Knul ở buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Người dân tộc Êđê của mình thường đốt nương, phát rẫy vào tháng 3. Trước cái nắng oi nồng của những ngày cuối mùa khô, sau lễ đốt nương ông bà mình thường ngẩng lên trời cầu mưa, mong những hạt mưa đến sớm để buôn làng gieo trồng, có được mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Vì vậy nên mình tạc tượng hình một ông già đang ngước lên trời để cầu mưa,  hình dung trong đầu như thế nào thì mình làm như vậy thôi”! Còn hai nghệ nhân Đinh Gol và Đinh Jrang, dân tộc Bana đến từ quê hương của Anh hùng Núp, huyện K’bang (Gia Lai), qua tác phẩm “Giã gạo” và “Múa trống” đã làm nổi bật nét đẹp trong đời sống sinh hoạt văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình. 

Các nghệ nhân của xã Dak Trăm, huyện Dak Tô (Kon Tum) đang say mê sáng tác.
Các nghệ nhân của xã Dak Trăm, huyện Dak Tô (Kon Tum) đang say mê sáng tác.

Là dân tộc Sán Chỉ nhưng nghệ nhân Lý Văn Phương ở thôn 16, xã Cư Bông, huyện Ea Kar lại rất đam mê với tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên. Chính vì vậy, anh đã đăng ký tham dự hội thi với bức tượng “Cha con”, qua đó gửi gắm tình yêu thương của mình đến với người cha luôn được anh kính trọng và yêu quý. Còn họa sĩ Huỳnh Thanh Hiếu ở số nhà 151 đường Trần Phú, TP. Buôn Ma Thuột thể hiện rất có hồn hình ảnh người phụ nữ Êđê qua tác phẩm “Cô gái Tây Nguyên”. Tham gia cuộc thi lần này, anh cũng chỉ mong muốn cùng với các nghệ nhân chung tay bảo tồn, gìn giữ điêu khắc gỗ dân gian trong đời sống cộng đồng, một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa đang dần bị mai một theo thời gian.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần du lịch cộng đồng Ko Tam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Là đơn vị kinh doanh du lịch nên thông qua cuộc thi, đơn vị cũng mong muốn quảng bá, giới thiệu cho du khách biết về những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, qua đó góp phần gìn giữ, phát huy vốn văn hóa đáng quý này. Đơn vị đã hỗ trợ nghệ nhân kinh phí ăn ở, sinh hoạt, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nghệ nhân sáng tác.

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.