Multimedia Đọc Báo in

Niềm tâm huyết của người nghệ nhân đa tài

15:47, 16/12/2017

Đến nhà ông Y Quyết Liêng (thường gọi Ama Quyết, dân tộc M’nông) ở buôn Ja, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) sẽ thấy một khung cảnh yên bình, ấm áp khi người đàn ông miệt mài đan lát, người phụ nữ hăng say giã gạo…

Ngôi nhà sàn gỗ đơn sơ của vợ chồng nghệ nhân Ama Quyết thơm nồng mùi rơm. Ama Quyết bộc bạch: Người M’nông thích sinh sống trên những sườn đồi, bìa rừng gần những con suối, con khe nhỏ. Cuộc sống yên bình với những mùa gieo gặt, trồng khoai sắn trên nương rẫy, săn bắt hái lượm trong rừng và đánh bắt tôm, cá ở dưới suối, khe. Cuộc sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên, chính từ sự che chở của thiên nhiên, các vật dụng sinh hoạt được làm từ thiên nhiên, để rồi văn hóa M’nông được khẳng định từ đó.

Nghệ nhân Ama Quyết hướng dẫn các em nhỏ đánh cồng chiêng.
Nghệ nhân Ama Quyết hướng dẫn các em nhỏ đánh cồng chiêng.

Chỉ cần nhìn những chiếc gùi cao đựng các vật dụng sinh hoạt hằng ngày được xếp ngay ngắn trong gia đình là biết chủ nhà đan lát đẹp và giỏi. Thấy khách mân mê chiếc gùi còn thơm mùi nắng, như chạm đúng mạch trái tim, ông say sưa giải thích: “Đối với đồng bào M’nông, gùi (gọi là sah) có vai trò rất quan trọng. Đây là vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt gia đình cũng như trong các nghi lễ, lễ hội lớn của người M’nông”.

Từ nhỏ, Ama Quyết đã được bố truyền dạy cho cách đan. Cứ thế, lớn lên ông lại tiếp tục dạy lại cho con cháu trong gia đình. Ở buôn này, hầu hết các gia đình đều có thể tự tay đan rổ, thúng, sàng, nia… bằng tre nứa để sử dụng thay vì mua các vật dụng bằng kim loại hay bằng nhựa. Người đan gùi cũng đầu tư công sức, sáng tạo hoa văn trang trí, đan cài các sợi nan đã được nhuộm màu từ nhựa cây rừng, hoặc lật mặt cật, mặt lòng của nan để có được màu sắc như ý, tạo ra những sản phẩm vừa giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của người M’nông vừa phục vụ thị hiếu người tiêu dùng. Gùi Ama Quyết đan thường được người trong buôn hoặc người các buôn khác đặt mua.

Nghệ nhân Ama Quyết bên bộ cồng chiêng quý của gia đình.
Nghệ nhân Ama Quyết bên bộ cồng chiêng quý của gia đình.

Không chỉ mê đan lát, nghệ nhân Ama Quyết còn biết đánh và chỉnh chiêng. Học cách đánh chiêng khi còn nhỏ xíu, đến năm 15 tuổi, ông đã trở thành người đánh chiêng giỏi, thuộc làu nhiều bài chiêng, bài hát của dân tộc mình. Theo Ama Quyết, nghệ thuật chỉnh chiêng rất khó, đòi hỏi người nghệ nhân thật sự am hiểu về cồng chiêng, có thể sử dụng được tất cả các chiêng trong bộ cồng chiêng, từ chỗ sử dụng thành thạo từng chiếc một qua thời gian mới có thể cảm âm, thẩm âm chính xác. Ba bộ cồng chiêng lớn - nhỏ đủ loại và một chiếc trống cổ to của người M’nông được ông cất cẩn thận bên hông nhà. Ông bảo, đây là “báu vật”, tài sản lớn nhất mà thuở xưa ông bà phải đổi vài chục con bò mới có được. Vì thế, dù nhiều lần thương lái đến nhà hỏi mua giá cao, ông vẫn nhất quyết không bán.

Từ lâu ông đã nung nấu ý định truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong buôn vì sợ sau này những người lớn tuổi biết đánh cồng chiêng không còn thì thế hệ con cháu sẽ không gìn giữ và bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống, song do cuộc sống khó khăn, điều kiện chưa cho phép nên chưa thể thực hiện. Năm 2017, Phòng Văn hóa -  Thông tin huyện Krông Bông mở lớp đánh chiêng trẻ, Ama Quyết là người tiên phong trong công tác giảng dạy. Ông tâm sự: “Trước đây, trong buôn có nhiều người biết đánh chiêng và có nhiều bộ chiêng quý. Nhưng xã hội hiện đại, môi trường sống thay đổi nên lớp trẻ đã dần không còn mặn mà với cồng chiêng nữa, chúng đã vô tình lãng quên bản sắc văn hóa của cha ông. Vì thế, mình nghĩ việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ là điều quan trọng cần phải làm”.

Dạ Yến Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.