Multimedia Đọc Báo in

Du ngoạn rừng tràm Trà Sư

08:05, 12/08/2018

Nói đến rừng tràm Trà Sư là nói đến một “bảo tàng” sống động về thiên nhiên, sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Quần thể rừng quốc gia Trà Sư thuộc núi Thất Sơn, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang), chỉ cách biên giới Việt Nam và Campuchia 10 km.

Dừng chân ở cửa rừng Trà Sư, bạn sẽ choáng ngợp trước một không gian tuyệt đẹp và vô cùng sinh động bởi sự kết hợp hết sức tự nhiên giữa sông nước, kênh rạch, cỏ cây, rừng rú và hệ động vật quý hiếm. Hành trình khám phá rừng tràm Trà Sư được bắt đầu trên con thuyền gỗ xuôi theo dòng kênh nước đục để hòa mình vào rừng tràm xanh thẳm, hun hút.

Ngồi thong dong trên thuyền, bạn sẽ có cơ hội quan sát, khám phá và cảm nhận vẻ đẹp của khu rừng Trà Sư mà không tốn chút sức lực nào. Điều khá đặc biệt và trở thành đặc trưng của khu rừng này là thảm thực vật được mọc lên từ nước do con sông Hậu của miền Tây đổ vào. Nước lúc nào cũng mang màu đỏ phù sa gợi lên sự trù phú và hoang sơ của vùng đất này.

Trên con đường đi sâu vào rừng tràm, hai bên dòng nước không gì khác là rừng tràm mọc san sát, thân cao vút ngả xuống dòng kênh tạo thành hai mái che úp sấp xuống lối đi khiến cho không gian trở nên dịu mát. Nếu đứng trên thuyền, phóng tầm mắt ra xa tứ phía, bạn sẽ cảm nhận được màu xanh của rừng tràm bạt ngàn, phủ khắp miền sông nước. Xa xa là những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay.

Dịch vụ thuyền, xuồng sẵn sàng phục vụ du khách khi đến rừng tràm Trà Sư.
Dịch vụ thuyền, xuồng sẵn sàng phục vụ du khách khi đến rừng tràm Trà Sư.

Dọc dòng kênh vào sâu trong khu rừng tràm có những đoạn dài tới vài cây số, bèo mọc kín mặt nước tựa như những tấm thảm xanh tươi mát. Khi chèo thuyền đi qua, mũi con thuyền rẽ nước và xuyên qua những đám bèo hoa dâu, bèo tây tuyệt đẹp. Có đoạn, bèo tấm mọc nhiều khiến cho mặt nước xanh mịn. Tại những đoạn này, chỉ cần khua tay xuống làn nước trong veo đã cảm thấy mát lịm. Đó là những đoạn đường kỳ thú nhất của chuyến hành trình, du khách vẫn gọi đó là con đường xanh đầy thơ mộng và hấp dẫn. Đến đoạn này, các con thuyền hay dừng lại để cho du khách chiêm ngưỡng và cảm nhận không gian thoáng mát, trong lành của khu rừng.

Rừng tràm Trà Sư mang đậm sắc màu sông nước miền Tây, ẩn chứa trong lòng nó bao điều kỳ thú đang đón đợi con người khám phá. Đến Trà Sư, bạn sẽ cảm nhận vùng đất miền Tây đẹp đến nao lòng.

Bên cạnh thảm thực vật quanh năm xanh tốt thì hệ động vật ở rừng tràm Trà Sư cũng vô cùng phong phú. Nơi đây bảo tồn các loài động vật hoang dã và thủy sinh của quốc gia, nhiều nhất là cò, diệc, cồng cộc, chích cùng nhiều loài chim quý khác. Có những đoạn cò trắng đậu trên những ngọn tràm tới hàng nghìn con khiến cho không gian ở đây trở nên sống động và tạo nên những thanh âm mang màu sắc hoang sơ. Nếu đứng trên đài quan sát, bạn sẽ có cơ hội ngắm không gian bao la của rừng tràm tới ngút ngàn.

Ngoài khám phá Trà Sư bằng thuyền, xuồng, du khách còn có thể đi bộ thong dong để vãn cảnh hoặc đạp xe vào bên trong khu rừng bằng những con đường mòn. Hai bên đường là hai hàng tràm như hai vách thành dài tới vô tận. Có những đoạn, người dân địa phương mắc lên thân cây tràm những chiếc võng để phục vụ du khách ngồi nghỉ chân hoặc dựng lên những chiếc chòi ngay bên dòng kênh để khách ngồi uống nước, ngắm cảnh.

Con đường mòn tuyệt đẹp để du khách khám phá rừng tràm.
Con đường mòn tuyệt đẹp để du khách khám phá rừng tràm.

Rừng tràm Trà Sư đẹp nhất vào mùa nước nổi, đó là khoảng thời gian từ tháng 7 đến hết tháng 11. Mùa này, nước sông Hậu về, mang theo phù sa và lượng lớn cá linh béo mũm, một đặc sản không thể thiếu của sông nước miền Tây. Đặc biệt, trên đường vào rừng tràm, hoa điên điển nở rực vàng tô điểm cho không gian một vẻ đẹp thơ mộng, hoa súng tím, hoa sen mọc trên cánh đồng càng tạo cho khu rừng vẻ đẹp tự nhiên và hoang sơ.

Đến Trà Sư, sau khi du ngoạn cảnh sông nước và rừng tràm, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn dân dã vốn là đặc sản ở đây như nộm hoa điên điển, cá linh kho, tép kho hoa điên điển, canh hoa điên điển, mật ong rừng tràm, đường thốt nốt; mua dầu tràm, vải thổ cẩm về làm quà.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.