Multimedia Đọc Báo in

Ký ức giữa đôi bờ Hiền Lương

08:26, 21/07/2019

Nằm trên trục đường thiên lý Bắc – Nam, cụm di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (tỉnh Quảng Trị) níu chân du khách trong rưng rưng câu hò “Dòng Bến Hải chảy xuôi về biển, cầu Hiền Lương làm giới tuyến tạm thời …”

Rưng rưng bởi chỉ từ giới tuyến tạm thời 2 năm thôi mà đã kéo dài nỗi đau chia cắt hai miền suốt 21 năm với bao đau thương, mất mát của cả dân tộc. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ngày 20-7-1954, nước ta tạm thời bị chia cắt hai miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới, cầu Hiền Lương nối đôi bờ sông dài 178 mét, với bảy nhịp cầu cũng bị chia đôi, chờ đến tháng 7-1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Với khát vọng hòa bình, thống nhất, ta luôn tôn trọng Hiệp định, coi đây chỉ là giới tuyến quân sự có ý nghĩa tạm thời, luôn mềm mỏng, kiên trì các bước để tiến tới tổng tuyển cử. Nhưng với dã tâm xâm lược, chia cắt đất nước ta, kẻ thù đã không từ thủ đoạn nào để phá hoại Hiệp định, hòng biến dòng sông giới tuyến tạm thời, chiếc cầu dã chiến tạm thời thành biên giới vĩnh viễn như chúng đã ngạo mạn tuyên bố “biên giới của Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17".

 Trên cầu Hiền Lương lịch sử.
Trên cầu Hiền Lương lịch sử.

Từ đây, người dân đôi bờ đã phải chịu bao cảnh đau thương, tang tóc. Có những đau thương khó nói hết bằng lời, khi bà con cùng một làng xóm, người thân cùng một gia đình bỗng chốc chịu cảnh chia lìa, chỉ cách một con sông mà nghìn trùng vời vợi. Mỗi lần lễ, Tết, người thân hai bờ lại tràn ra sông để ngóng nhau. Có người gác ngọn đèn biển đằng đẵng bao năm nơi bờ Bắc, mắt vẫn luôn hướng về bờ Nam trong ngóng gia đình, người thân còn ở lại. Nơi bờ Nam, kẻ thù dồn dân lập ấp, khủng bố những gia đình có người thân ở ngoài Bắc...

 Càng đau thương, càng nung nấu khát vọng hòa bình, thống nhất. Quân và dân hai bờ giới tuyến đã anh dũng, kiên cường vượt lên mọi khó khăn, gian nguy, quyết tâm giữ đất, giữ làng, giữ dòng sông, bến nước. Bến Hải - Hiền Lương là nhân chứng cho nỗi đau chia cắt đôi bờ, cũng là nơi chứng kiến cuộc đấu trí, đấu lực bền bỉ của quân dân ta hòng đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù.

Di tích đôi bờ hôm nay như còn tươi nguyên những cuộc đấu trí huyền thoại chỉ có ở nơi này. Đó là các cuộc đấu về màu sơn cầu, về loa phóng thanh, về lá cờ... Để tạo nên hình ảnh chia cắt đất nước ta, bên địch cố ý sơn nửa cầu phía Nam khác màu, nhưng chúng cứ vừa sơn xong ta lại sơn nửa phần cầu phía Bắc cùng màu như vậy, kéo dài suốt gần 5 năm trời, cuối cùng chúng phải chịu thua để cho chiếc cầu chung một màu sơn thống nhất. Loa của địch phát vang xa bao nhiêu thì loa ta còn to hơn, vang hơn vạch trần âm mưu xâm lược đất nước ta của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; đồng thời động viên, tiếp sức cho nhân dân miền Nam vững bước đấu tranh, bền gan chờ ngày thống nhất.

Đặc biệt quyết liệt là cuộc chiến đọ cờ, diễn ra trong suốt 14 năm ròng. Cờ của địch treo cao bao nhiêu, khổ rộng bao nhiêu thì cờ đỏ sao vàng của ta cao hơn, lớn hơn để đồng bào hai bờ dù ở rất xa vẫn được ngắm rõ. Để lá cờ tung bay trên đỉnh cột, giữ vững biểu tượng sức mạnh chiến thắng của dân tộc, các chiến sĩ Đồn Công an Hiền Lương đã bao phen chiến đấu anh dũng dưới mưa bom, bão đạn; người dân đã bao lần may cờ, vá lại lá cờ bị rách...

Cầu Hiền Lương mới (bên phải) và cầu Hiền Lương cũ được phục dựng nguyên trạng bắc qua sông Bến Hải.
Cầu Hiền Lương mới (bên phải) và cầu Hiền Lương cũ được phục dựng nguyên trạng bắc qua sông Bến Hải.

Vậy đó, chỉ cách chưa đầy 200 mét với bảy nhịp cầu mà suốt 21 năm đôi bờ cách trở. Ðể nối lại nhịp cầu tưởng như ngắn ngủi ấy, cả dân tộc đã phải đi qua cuộc trường chinh dằng dặc đầy ắp những bi hùng. Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, người dân đôi bờ trở về chung tay xây dựng lại quê hương từ hoang tàn đổ nát. Dòng Bến Hải vẫn êm đềm xuôi về biển Cửa Tùng, nhưng giới tuyến đã vĩnh viễn bị xóa bỏ, đôi bờ mãi mãi không còn chịu cảnh cắt chia.

Để đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng phát triển, một cây cầu Hiền Lương được xây mới to đẹp hơn nối đôi bờ làng quê xanh ngát trù phú. Ngay bên cạnh là cầu Hiền Lương cũ với cột cờ đầu bờ Bắc được phục dựng nguyên trạng, là một điểm nhấn trong di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương.

Trên đường thiên lý Bắc - Nam, ít nhất một lần dừng chân tại cụm di tích lịch sử này, một lần đếm bước qua bảy nhịp cầu với lằn ranh phân chia còn nguyên trạng để nghe thấm nỗi đau chia cắt; ngắm về bờ Bắc, bờ Nam ngút ngàn trang trại hồ tiêu, mênh mông cánh đồng lúa liền bờ liền thửa, san sát những vuông tôm nuôi, ngắm phía biển Cửa Tùng tấp nập tàu thuyền vươn khơi đánh cá, ngắm lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên cột cờ Hiền Lương để thêm tự hào về sức sống mãnh liệt ở nơi từng là "vùng đất chết", tự hào về sức mạnh của một dân tộc thiết tha yêu hòa bình, sắt son ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do, thống nhất non sông...

Bến Hải - Hiền Lương là nhân chứng cho nỗi đau chia cắt đôi bờ, cũng là nơi chứng kiến cuộc đấu trí, đấu lực bền bỉ của quân dân ta hòng đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù. Có được cuộc sống hôm nay chúng ta càng trân trọng, biết ơn bao thế hệ cha ông đã đổi bằng xương máu, mồ hôi nước mắt.

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.