Multimedia Đọc Báo in

Đi tìm hồn chiêng

12:08, 28/04/2020
Chỉnh chiêng không đơn giản là một công việc sửa chữa, mang lại âm thanh chuẩn cho chiêng, mà đó là cả một nghệ thuật: nghệ thuật “đi tìm hồn” cho chiêng.

Chỉnh chiêng tức là người nghệ nhân dùng kỹ năng, kinh nghiệm và dụng cụ để chỉnh âm thanh của những chiếc chiêng chưa được chuẩn. Bởi những bộ chiêng của các dân tộc thiểu số như Êđê hay Ja Rai không phải do chính họ chế tác mà được mua bán hoặc trao đổi từ nơi khác mới có. Chiêng vốn được làm từ đồng, pha một số kim loại khác theo công thức riêng của từng vùng, từng dân tộc. Vì thế, khi đem về muốn sử dụng được phải chỉnh lại âm để phù hợp với đặc trưng của dân tộc mình. Ngoài ra, có những bộ chiêng được sử dụng nhiều, hoặc cất giữ lâu mới đem ra dùng thì bị hỏng, mất âm sắc, lạc âm cũng cần phải chỉnh lại mới dùng được.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn các học viên chỉnh chiêng.
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn các học viên chỉnh chiêng.

Các bộ chiêng tại Tây Nguyên được xem như tài sản vô giá của dân làng, khi mới mua về nó đơn giản là một tài sản, nhưng khi đưa vào sử dụng thì nó như một thành viên của gia đình hoặc cộng đồng. Theo Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, một bộ chiêng của người dân tộc Êđê có 10 chiếc, cộng thêm chiếc trống nữa là 11, tương ứng với 11 thành viên của gia đình. Cụ thể, cái trống được xem là người bà, người lớn nhất, có tiếng nói nhất trong gia đình; tiếp theo là ông, mẹ, bố, ông cậu, chị gái lớn, chị gái thứ hai, con trai lớn, con trai thứ hai, con gái út, con trai út. Những thành viên trong gia đình phải luôn yêu thương, chia sẻ với nhau; chỉ cần một người gặp vấn đề thì cả nhà đều lo lắng. Tương tự, trong bộ chiêng nếu một chiếc bị lạc âm thì cả bộ không còn ý nghĩa. Thực tế cũng vậy, chỉ cần một chiếc chiêng bị lệch âm thì cả dàn chiêng sẽ không dùng được.

Vì thế, việc chỉnh chiêng rất quan trọng và người biết chỉnh chiêng được xem là báu vật của buôn làng. Chỉnh chiêng không theo công thức chung nào, không phải ai học cũng có thể chỉnh được chiêng mà phải hội tụ rất nhiều yếu tố. Người chỉnh chiêng trước hết phải có sự am hiểu về chiêng như kết cấu, đặc điểm của từng chiếc; đồng thời phải biết chơi, diễn tấu cồng chiêng, có đôi tai thẩm âm tinh tế, bàn tay khéo léo, điêu luyện để “nắn” và tìm lại những “hồn chiêng” bị lạc. Nhưng quan trọng nhất là phải có tình yêu, sự đam mê, tâm huyết với chiêng và có kinh nghiệm tích lũy qua năm tháng.

Dụng cụ để chỉnh chiêng rất đơn giản, đó là cái dùi hoặc cái búa nhỏ được bọc vải và chiếc đòn để kê. Tùy vào từng chiếc chiêng bị lạc âm hoặc hỏng mà người nghệ nhân có cách xử lý cho phù hợp. Nghệ nhân Y Blih Adrơng (buôn M’lớt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana) cho hay: “Trước khi chỉnh sửa chiêng, tôi sẽ dò âm bằng cách đánh thử một vài bài chiêng cổ hoặc gõ đều vào mặt trong theo đường tròn trên những điểm khác nhau quanh tâm điểm của từng chiếc chiêng, lắng nghe xem chỗ nào lạc âm để đánh dấu, rồi mới bắt tay vào chỉnh sửa. Khi sửa muốn âm cao lên thì dùng dùi tác động vào mặt trong, còn muốn âm thấp xuống thì chỉnh vào mặt ngoài của chiêng...”. Đây cũng chính là giai đoạn quan trọng nhất trong chỉnh chiêng, sử dụng đôi tai và kỹ năng thẩm âm để “bắt bệnh” cho chiêng. Khi chiêng đã được chỉnh đúng âm, không bị lạc tông thì còn phải chỉnh cho tiếng chiêng tròn và vang hơn đúng với chức năng âm thanh của nó trong dàn chiêng.

Quan trọng nhất với người chỉnh chiêng là phải có tình yêu, sự đam mê, tâm huyết với chiêng và có kinh nghiệm tích lũy qua năm tháng, có như vậy mới tìm lại được những “hồn chiêng” bị lạc.

Chính vì vậy, chỉnh chiêng có vai trò không thể thiếu trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Thế nhưng ngày nay người biết chỉnh chiêng ngày càng ít đi, nguyên nhân chủ yếu là vì thế hệ trẻ không mặn mà với việc học đánh chiêng và chỉnh chiêng. Trong khi chỉnh chiêng là một kỹ năng thẩm âm khá phức tạp, không theo một quy chuẩn nào, nếu không đam mê cũng như tích lũy kinh nghiệm, kiến thức thì khó có thể thực hiện được.

Học viên tham gia lớp kỹ thuật chỉnh chiêng đang diễn tấu cồng chiêng.
Học viên tham gia lớp kỹ thuật chỉnh chiêng đang diễn tấu cồng chiêng.

Trước tình hình đó, cuối năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chỉnh chiêng cho 16 học viên là những nghệ nhân thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố. Trực tiếp đứng lớp, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân và Nghệ nhân Ưu tú Ama Loan truyền đạt những kiến thức cụ thể về chiêng của người Êđê và thực hành kỹ năng chỉnh, sửa chiêng... Theo Ban tổ chức, so với lần tập huấn trước cách đây 5 năm,  lần này số lượng học viên ít, thời gian thực hành nhiều, nên hầu hết các học viên sau khi hoàn thành khóa học đều biết chỉnh chiêng, sửa chiêng và phát huy được khả năng thẩm âm tốt. Các học viên chính là những hạt nhân nòng cốt sẽ hướng dẫn, truyền dạy kỹ thuật đã học cho các thành viên trong đội chiêng, những người say mê học chỉnh chiêng, đặc biệt là cho lớp trẻ tại các thôn buôn để góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật chỉnh chiêng rất đặc biệt này.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.