Multimedia Đọc Báo in

Linh thiêng đền Cờn Nghệ An

20:41, 25/04/2020

Đền Cờn thuộc phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai được biết đến là điểm đến tâm linh hấp dẫn của tỉnh Nghệ An. Cụm di tích đền Cờn có đền Cờn trong và đền Cờn ngoài đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993. 

Đền Cờn ngoài nằm trên dãy núi Thằn Lằn, mé cửa biển Lạch Cờn. Đền được xây dựng khoảng thế kỷ 15, được tôn tạo và hoàn chỉnh dưới thời vua Tự Đức (1848 - 1883). Tương truyền, vào năm Hồng Đức thứ 11 (1470), vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm thắng trận trở về. Đoàn chiến thuyền đến cửa Biện (Thanh Hóa), bỗng gió đông thổi mạnh, phải quay lại cửa Cờn. Nhà vua vào làm lễ tạ Thần đền, thấy Đế Bính được thờ chung với các bà, bèn sai dựng thêm đền Cờn ngoài riêng rẽ để thờ Tống Đế Bính cùng các trung thần Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu.

Đền Cờn ngoài.
Đền Cờn ngoài.

Về mặt bằng tổng thể, đền Cờn ngoài tuy không được xây dựng bề thế như đền Cờn trong nhưng cảnh quan nơi đây thật đắc địa từ vị trí ngôi đền án ngữ nơi cao nhất của làng đến mặt đền hướng ra biển Đông. Ngôi đền hiện nay có kết cấu mặt bằng hình chữ đinh, gồm ba gian nhỏ và một hậu cung ở phía sau. Đền Cờn ngoài còn lưu giữ các pho tượng đá khá phong phú bao gồm một đôi rồng đá chạy bám theo thành bậc tam cấp phía trong nghi môn, hai tượng quan hậu, hai con nghê đá, hai tượng Chăm, hai tượng hổ đá, một đôi voi đá nằm chầu ngay sau nghi môn và một vài cột đá để cắm tàn, lọng và cờ. Giá trị hơn cả là đôi rồng đá được chạm nổi một mặt với khuôn mặt dữ tợn, xung quanh hàm rồng được chạm nổi liên tiếp những vòng tròn trông như một chuỗi hạt.

Đền Cờn trong nằm trên gò Diệc, hướng mặt ra dòng sông Mai Giang thơ mộng, sau đền có hai đồi nhỏ nhô lên như cánh phượng, tạo thành thế đứng “đầu tựa sơn, chân đạp thủy”.

Đền Cờn trong được khởi dựng vào năm Hưng Long thứ 20 (1312) đời vua Trần Anh Tông và tiếp tục được trùng tu, tôn tạo vào các triều đại sau. Năm Hưng Long thứ 20 (1312), vua Trần Anh Tông thân chinh mang quân đánh Chiêm Thành. Khi nghỉ lại ở cửa Cờn, vua mộng thấy Thần đền. Sau cuộc Nam tiến thắng lợi, lúc mừng công thắng trận ở Thăng Long, vua Trần Anh Tông hạ lệnh gia phong cho các vị được thờ ở đền Cờn trong là “Quốc gia Nam Hải Đại Càn Thánh Nương”. Thời kỳ Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa trên đất Nghệ An đã cho người về cầu đảo ở đền Cờn. Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ đã phong thêm danh hiệu và ban cho đền một số đồ thờ bằng vàng bạc. Năm Hồng Đức 11 (1470), vua Lê Thánh Tông lại huy động thủy quân tiến đánh Chiêm Thành.

Sau chiến thắng trở về, đoàn thuyền gặp sóng to gió lớn phải vào cửa Cờn để trú ẩn. Đêm đó nhà vua mộng thấy Tứ Vị Thánh Nương, bèn gia phong sắc “Đại Càn Thánh Nương Quốc gia Nam Hải Tứ vị thượng đẳng thần”. Các bậc minh quân của hai triều đại Trần, Lê từng ghé thăm và cầu khấn tại đền Cờn trong hành trình Nam tiến đã làm cho đền Cờn càng linh thiêng hơn trong tâm khảm khách hành hương. 

Đền Cờn trong.
Đền Cờn trong.

Đền được bố trí thành 2 khu vực. Một khu vực gồm hệ thống tường bao đường lên đền, gác lâu, bái đường, trung điện, thượng điện và hậu cung; khu vực còn lại gồm 4 nhà để 4 thuyền rồng là vật rước trong ngày lễ, 2 nhà để kiệu, tàn, long ngai, ngựa, hạc. Trước cửa đền là bến đền, nơi đưa đón khách thập phương đến vãn cảnh đền. Từ cổng đền bước qua 11 bậc tam cấp được ghép bằng những phiến đá tảng sẽ tới nhà ca vũ được kết cấu bởi ba gian bốn vì xây bịt đốc, chồng diêm, hai tầng, lợp ngói ống. Đây là công trình kiến trúc đẹp nhất trong quần thể di tích này. Phía sau nhà ca vũ là tới nhà bái đường, xây dựng năm 1663. Trong tổng thể di tích, đây là tòa đền duy nhất còn khá nguyên vẹn. Nhà bái đường rộng 6 vì, 3 gian, 2 hồi văn, gian giữa rộng trên 4m, làm bằng gỗ lim. Điều đáng chú ý là các chi tiết gỗ liên kết ngang dọc đều được chạm trổ khá công phu. Hầu hết các xà, quá giang và vì kèo đều được chạm khắc tinh xảo các đề tài rồng chầu mặt trăng, rồng chầu hổ phù, phượng ngậm cuốn thư, phượng múa, rồng trong mây, rồng trong lá.

Sau nhà bái đường là trung điện, thượng điện và hậu cung. Các tòa nhà này đã bị phá hủy hồi chiến tranh chống Mỹ. Di chứng còn lại chỉ là những dấu vết của nền móng buổi đầu kiến tạo.

Mặc dù bị tàn phá bởi chiến tranh, thiên tai, đền Cờn trong vẫn xứng đáng là một công trình kiến trúc có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật. Hiện tại đền còn lưu giữ hàng trăm hiện vật các loại; đặc biệt là các pho tượng người, thú bằng đá. Những hiện vật khác nhau như bia, kiện, chuông trống, đồ tế khí cũng rất đa dạng. Hầu hết đều có niên đại từ thời Lê, Nguyễn.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.