Multimedia Đọc Báo in

Nỗi niềm của Ama Khoát

20:39, 25/04/2020

Là người thiết tha với văn hóa truyền thống, ông Y Ó Byă (tên thường gọi là Ama Khoát), dân tộc Êđê ở buôn Chàm A, xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) luôn trăn trở, lo lắng trước tình trạng một số nghề truyền thống và những nét đẹp văn hóa cổ truyền của người Êđê, M’nông đang có nguy cơ bị mai một.

Ama Khoát rất thạo nghề đan lát truyền thống. Ông cho biết, trước đây những vật dụng sinh hoạt trong các gia đình Êđê, M’nông đều do người đàn ông trong nhà tự làm. Vì vậy, những người tuổi như ông trở về trước phần lớn đều biết đan lát để phục vụ nhu cầu của gia đình. Ông học đan lát từ khi còn rất nhỏ. Trong các loại vật dụng, gùi là khó đan nhất vì để làm hoàn chỉnh một cái gùi có nhiều công đoạn và phải cần nhiều loại nguyên liệu từ mây làm vành, mây đan dây đeo, mây kết, nan lồ ô đến gỗ làm đế. Song những nguyên liệu đó trước đây, chỉ cần vác xà gạc lên rừng một buổi là đủ nguyên liệu để đan cả tháng.

Ama Khoát (thứ ba từ trái sang) và đội chiêng đồng của buôn Chàm A, xã Cư Drăm.
Ama Khoát (thứ ba từ trái sang) và đội chiêng đồng của buôn Chàm A, xã Cư Drăm.

Không chỉ biết đan lát, Ama Khoát còn rành rẽ nghề rèn. Trước đây, việc rèn các dụng cụ lao động như rìu, xà gạc, dao, rựa, cuốc, liềm, ngoằng làm cỏ... của gia đình và bà con họ hàng đều do Ama Khoát đảm nhiệm. Ông biết nghề rèn cũng do đam mê từ lúc còn học phổ thông. Trước đây gia đình ông có bể rèn, có đầy đủ dụng cụ rèn. Những sản phẩm do ông rèn vừa sắc lại ít bị mẻ do nước trui của ông có độ chuẩn cao.

Ama Khoát cũng rất đam mê văn hóa cồng chiêng. Ông thuộc và biết sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ như trống, cồng, chiêng đồng, chiêng Kram... Trước đây, mỗi khi có gia đình trong buôn tổ chức lễ cúng, ông thường có mặt tham gia đánh chiêng. Hiện nay gia đình ông vẫn còn giữ được trống cái, 1 bộ cồng, 2 bộ chiêng đồng và chiêng Kram.

Từ khi đảm nhiệm nhiều công việc quan trọng của địa phương như: Bí thư Đoàn xã, Bí thư Đảng ủy rồi Chủ tịch HĐND, UBND xã Cư Drăm, Ama Khoát đã dành phần lớn thời gian cho công việc xã hội nên những việc mà ông đam mê phải tạm gác lại. Khi còn công tác, ông luôn quan tâm, động viên đồng bào Êđê, M’nông trong các buôn làng của xã Cư Drăm bảo tồn và phát huy những nét đẹp về văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Không biết rồi đây, một số nghề truyền thống và văn hóa truyền thống của đồng bào Êđê, M’nông sẽ đi về đâu?” - ông Ama Khoát.

Hiện nay, Ama Khoát đã nghỉ hưu. Trở về với việc nương rẫy, chăn nuôi nhưng khi gia đình nào trong buôn và những buôn bên cạnh làm lễ cúng, thiếu người đánh chiêng là ông luôn có mặt để tham gia cùng đội chiêng. Lúc rảnh, ông tranh thủ lên núi chặt lồ ô, lấy mây về đan gùi và một số vật dụng dùng trong gia đình, đôi khi có ai trong buôn đặt làm thì ông cũng đan. Ông rất quan tâm đến các lễ cúng của buôn. Vừa qua, Ama Khoát đã động viên, khuyến khích anh Dương Văn Tho là người trong buôn đứng ra mở lớp dạy đánh chiêng Kram và múa miễn phí cho hàng chục thiếu niên trong buôn. Ông cũng động viên 2 đứa cháu của mình tham gia lớp học.

Lúc rảnh rỗi Ama Khoát lại ngồi đan gùi để dùng trong gia đình.
Lúc rảnh rỗi Ama Khoát lại ngồi đan gùi để dùng trong gia đình.

Nói về thực trạng mai một nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Êđê, M'nông ở địa phương, Ama Khoát rất trăn trở: Trong các buôn đồng bào Êđê, M’nông của xã Cư Drăm hiện chỉ còn rất ít người biết đan lát, rèn, dệt thổ cẩm hay đánh chiêng. Đa số các nghệ nhân không còn duy trì nghề truyền thống nữa phần do họ đã lớn tuổi, phần vì đồ dùng, vật dụng trong gia đình và dụng cụ sản xuất của người dân giờ được sản xuất sẵn, tiện dụng, giá lại rẻ. Lớp trẻ cũng không còn đam mê nghề truyền thống như thế hệ trước nên không mặn mà với việc học nghề truyền thống hay đánh chiêng, múa hát; các lễ hội cũng ngày một thưa dần.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.