Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện giao, khoán quản lý bảo vệ, phát triển rừng theo Quyết định 304: Những bất cập từ thực tế triển khai

08:45, 08/07/2011

Quyết định 304/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc tại chỗ nghèo ở Tây Nguyên được kỳ vọng sẽ mang lại bước đột phá trong công tác giao đất giao rừng (GĐGR); tăng cường công tác quản lý  bảo vệ rừng, thúc đẩy kinh tế rừng phát triển góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, an ninh rừng vẫn phức tạp, người nhận rừng vẫn loay hoay trong việc thực hiện...

Phần lớn diện tích giao khoán cho người dân chủ yếu là rừng nghèo; nhiều diện tích rừng còn bị chặt phá để làm nương rẫy.
Phần lớn diện tích giao khoán cho người dân chủ yếu là rừng nghèo; nhiều diện tích rừng còn bị chặt phá để làm nương rẫy.
Rừng có chủ vẫn bị tàn phá
Đó là thực trạng của những cánh rừng đã được giao khoán cho cộng đồng các buôn: T’ly, Chăm, Diêk, Ka Ry ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo trong những năm qua, trở thành một trong vấn đề khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đối với chính quyền địa phương. Mặc dù được giao khoán từ năm 2006, sau đó được tổ chức quản lý, bảo vệ khá bài bản với sự tham gia nhiệt tình của người dân, nhưng không bao lâu, những cánh rừng có chủ này liên tục bị lâm tặc tàn phá, hoặc người dân xâm lấn để lấy đất canh tác, nhất là trong 2 năm trở lại đây. Trong số 4.000 ha rừng được UBND huyện giao khoán cho cộng đồng 4 buôn trên với 428 hộ gia đình tham gia quản lý, bảo vệ, đến nay hơn 1.000 ha rừng gần như bị xóa sổ. Lý giải về nguyên nhân mất rừng, chính quyền địa phương nơi đây cũng thừa nhận: một phần do buông lỏng công tác quản lý, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là rừng giao khoán cho cộng đồng phần lớn rừng nghèo, sản phẩm tận thu từ rừng vì vậy mà cũng nghèo nàn, không có gì ngoài củi. Hơn nữa, những hộ gia đình nhận rừng đều là hộ nghèo thuộc diện 132, 134, vốn đã gặp khó khăn trong đời sống sản xuất nên họ càng không đủ khả năng cả về tài chính lẫn nhân lực trong tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng đã nhận khoán. Ở huyện Buôn Đôn, công tác GĐGR cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức tương tự. Năm 2006, huyện đã tiến hành giao 1.000 ha rừng cho 50 hộ ở 2 xã Ea Huar và Krông Na. Tuy nhiên, sau 5 năm, chỉ có vài hộ chủ động khai hoang diện tích đất lâm nghiệp cho phép làm nông nghiệp để tiến hành sản xuất; một số hộ sau khi nhận rừng đã tổ chức canh gác, giữ rừng; còn lại phần lớn các hộ vì thiếu nhân lực thiếu kinh phí nên bỏ mặc. Mặt khác, theo UBND huyện Buôn Đôn, việc xác định đối tượng rừng để giao cho đồng bào vẫn chưa được ưu tiên xem xét, chủ yếu vẫn giao các diện tích rừng nghèo, rừng ở xa, điều kiện đi lại khó khăn. Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 5-2011 vừa qua, nhiều cử tri xã Krông Na phản ánh: toàn xã có 28 hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được giao quản lý, bảo vệ 560 ha rừng. Thế nhưng, sau hơn 5 năm nhận rừng, đến nay vẫn chưa có hộ gia đình nào trên địa bàn xã được hưởng lợi từ rừng. Hơn nữa, rừng giao cho người dân là rừng nghèo kiệt, đất xấu không canh tác được, mà người dân thì lại không có vốn đầu tư sản xuất, nên khó khăn lại chồng chất khó khăn. Đó chính là những lý do dẫn đến rừng có chủ rồi mà vẫn bị tàn phá, khai thác trái phép.
Cơ chế hưởng lợi hợp lý sẽ góp phần thu hút người dân, cộng đồng thôn, buôn tham gia quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả.  Trong ảnh: Ban quản lý rừng cộng đồng buôn T’lý lập biên bản xử lý lâm tặc.
Cơ chế hưởng lợi hợp lý sẽ góp phần thu hút người dân, cộng đồng thôn, buôn tham gia quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả. Trong ảnh: Ban quản lý rừng cộng đồng buôn T’lý lập biên bản xử lý lâm tặc.
Bước “đột phá” nào cho rừng giao khoán?
Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm cho thấy: từ khi thực hiện GĐGR theo quyết định 304 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã giao được 8.577 ha cho 1.209 hộ dân. Tuy nhiên con số này cũng chỉ đạt trên 32% so với kế hoạch đề ra. Tiến độ chậm là do công tác này chỉ triển khai thực hiện từ năm 2006-2009, đến năm 2010 mặc dù chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền phổ biến, nhưng gần như không huyện nào triển khai được vì đến hết quý II năm 2011 vẫn chưa có thêm hộ dân cũng như cộng đồng nào đăng ký nhận rừng.  Còn đối với những cánh rừng đã được giao khoán thì chủ yếu vẫn trong tình trạng có chủ như không. Nguyên nhân được Chi cục Kiểm lâm xác định: ngoài việc giao rừng không giúp các hộ nghèo giải quyết những nhu cầu thiết yếu của đời sống hằng ngày, thì việc hưởng lợi các sản phẩm gỗ theo chu kỳ kinh doanh theo QĐ 178 của Thủ tướng Chính phủ cùng toàn bộ sản phẩm thu hoạch trên diện tích rừng được giao; hỗ trợ giống cây lâm nghiệp; cũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, các hộ nhận khoán còn được cấp 10 kg gạo/khẩu/tháng đối với các hộ nghèo, thiếu đói; các hộ diện 132, 134 được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/hộ để làm nhà; hỗ trợ tiền khai hoang đất sản xuất nông nghiệp 5 triệu đồng/ha; 400 ngàn đồng xây bể nước sinh hoạt cùng với các chính sách khác v.v... Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ giữa các cấp ngành, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, triển khai.

Phát triển kinh tế rừng vốn chẳng hề đơn giản bởi chu kỳ đầu tư lâu dài. Như đề xuất của chính quyền địa phương huyện Buôn Đôn, việc giao, khoán cho người dân phải cân đối diện tích phù hợp, phù hợp khả năng quản lý, bảo vệ của hộ gia đình, cộng đồng thôn buôn cũng như chú ý đến chất lượng rừng. Ngoài việc thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách theo Quyết định 304, tỉnh cần thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án khác nhằm huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, một cơ chế tín dụng phù hợp, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận vốn vay cũng sẽ tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất lâm nghiệp nói chung và công tác GĐGR nói riêng. Còn như kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2011, nếu việc GĐGR kém hiệu quả, không triển khai được như các huyện đã báo cáo thì đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo chấm dứt công tác này. Đối với những diện tích đã được giao khoán từ năm 2009 trở về trước, để bảo đảm những diện tích rừng được quản lý bảo vệ có hiệu quả, chính quyền địa phương cần kiểm tra, rà soát về diện tích, hiện trạng để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục xử lý nếu có vi phạm. Song song đó việc tăng cường biện pháp quản lý, phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quản lý bảo vệ rừng, kiên quyết chấm dứt tình trạng rừng giao rừng rồi để đó, kém hiệu quả kéo dài trong những năm qua.

Yên Ninh

Ý kiến bạn đọc