Multimedia Đọc Báo in

Chạy đua trồng mắc-ca: Coi chừng lợi bất cập hại!

09:30, 10/08/2012

Mắc - ca là loại cây trồng mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh Dak Lak trong thời gian gần đây, đang hứa hẹn đem đến nguồn lợi kinh tế cao cho người trồng. Tuy nhiên, nếu phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch loại cây này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hiện nay, nhiều nhà vườn trong tỉnh đang tăng cường ươm, ghép giống cây mắc ca  để đáp ứng nhu cầu mua khá cao của người dân.
Hiện nay, nhiều nhà vườn trong tỉnh đang tăng cường ươm, ghép giống cây mắc- ca để đáp ứng nhu cầu mua khá cao của người dân.

Năm 2004, Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng phối hợp với Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng Việt Nam lần đầu tiên tiến hành trồng thử nghiệm mô hình cây mắc ca xen với cà phê tại một nông hộ ở xã Phú Lộc. Từ đó đến nay, cây mắc ca cũng được nhiều đơn vị chức năng như Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm giống cây trồng tỉnh… trồng thử nghiệm nhiều nơi trên địa bàn tỉnh và bước đầu cho hiệu quả khá tốt, đặc biệt là tại 2 huyện Krông Năng và Krông Ana, năng suất bình quân đạt khoảng 5 kg hạt/cây. Qua quá trình thử nghiệm trên cho thấy, đây là loại cây thích nghi khá tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của nhiều vùng trong tỉnh, khả năng chịu hạn tốt, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh… từ khi trồng đến lúc thu hoạch khoảng 4 năm. Trên thị trường thế giới, loại nông sản này có giá dao động từ 1,5- 2 USD/kg hạt, như vậy, theo tính toán, với năng suất bình quân 3 tấn hạt/ha, thì mỗi năm, 1ha mắc ca sẽ cho thu nhập khoảng 6.000 USD, cao hơn trồng cà phê từ 1.500 - 2.000 USD/ha.

Hiện nay, việc nghiên cứu, lai tạo và nhân giống cây mắc ca bảo đảm chất lượng (theo tiêu chuẩn của Bộ NN-PTNT Việt Nam) nhằm chủ động nguồn cây giống tại chỗ (vùng Tây Nguyên) chỉ mới được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện (đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức). Vì lẽ đó, ngành Nông nghiệp Dak Lak còn khá do dự, chưa có chủ trương đưa mắc ca trồng đại trà trên địa bàn. Trong khi đó, do nhận thấy lợi nhuận cao từ loại cây này nên không ít hộ dân trong tỉnh đang đua nhau chặt bỏ những diện tích cà phê già cỗi, vườn cây ăn quả…, đầu tư mua cây giống về trồng với mơ ước đổi đời. Có “cầu” ắt có “cung”, nhiều chủ vườn ươm cây giống trên địa bàn tỉnh cũng rập rịch lai ghép, nhân giống mắc ca đáp ứng lượng mua đông đảo của người dân, chưa kể, chủ vườn còn tự tạo nên “cơn sốt” đẩy giá cây giống lên cao, từ 30.000- 50.000 đồng/cây. Theo các chuyên gia nông nghiệp, hiện nay giống mắc ca ngoài thị trường khá đa dạng, nhưng hầu hết đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ít nhà vườn còn chạy theo lợi nhuận lai ghép những loại cây kém chất lượng, ghép giả (cây thực sinh được cắt nhẹ lớp vỏ trên thân và dùng nilon buộc lại tạo mắt ghép giả) khiến người dân rất khó nhận biết. Đôi khi chính bản thân những chủ vườn ươm cũng không thể chắc chắn chất lượng cây giống mà mình sản xuất ra như thế nào!

Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ về diện tích mắc ca mà người dân đang trồng tự phát trên toàn tỉnh, song qua tìm hiểu được biết, diện tích cây trồng này hiện không dưới 60 ha (kể cả trồng độc canh và xen với cà phê hay cây trồng khác), tập trung nhiều nhất là ở các huyện Krông Năng, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Buk... Thời gian này, đi đến nhiều cơ sở ươm, bán cây giống trong tỉnh đều dễ thấy, cây mắc ca giống bán rất chạy, nhiều chủ vườn ươm còn ra tỉnh ngoài tìm mua hạt mắc ca (giá từ 90.000- 100.000 đồng/kg) về ươm nhằm đáp ứng nhu cầu cây giống cho người dân. Anh Vinh, một chủ vườn ươm cây giống tại đường Nguyễn Lương Bằng (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) khẳng định: Bình quân mỗi ngày cơ sở của anh bán được khoảng 100 cây mắc ca giống, mà khách hàng chủ yếu là người dân mua về trồng. Ông Lê Đình H. ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) trồng độc canh gần 2 ha mắc ca, nhưng khi hỏi về nguồn gốc cây giống thì ông tỏ ra lúng túng: Người ta bán thì ông mua về trồng thôi chứ nói nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng cây giống thế nào thì ông… không biết! Không chỉ ông H. mà hầu hết các hộ dân trong tỉnh đang chạy đua trồng mắc ca hiện nay cũng đều mua cây giống theo dạng trôi nổi như vậy. Anh Y Doan, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar thấy nhiều bà con ở địa phương trồng mắc ca nên anh cũng mua 250 cây về trồng xen với vườn cà phê, nhưng như anh bộc bạch: Trồng theo phong trào vậy thôi, chứ không biết hiệu quả ra sao và sản phẩm sau này bán cho ai (!?).

Trước dấu hiệu phát triển tràn lan cây mắc ca trong dân, không ai biết trước được rằng đầu ra của sản phẩm này sẽ như thế nào (bởi hiện nay vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra thu mua hạt mắc ca). Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, hiện cây mắc ca ở Dak Lak mới chỉ trồng ở dạng thử nghiệm, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại nhiều khu vực trong tỉnh không phù hợp với loại cây này, nếu trồng đại trà, không theo quy hoạch của địa phương thì hiệu quả sẽ rất thấp, cây trồng kém phát triển, thậm chí chết yểu. Vì vậy, bà con nên cân nhắc kỹ, tránh đầu tư ồ ạt để rồi gánh lấy hậu quả về sau  (!).

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc