Multimedia Đọc Báo in

Giảm nghèo bền vững: Còn nhiều thách thức

14:42, 25/11/2013
Con số 3% trong chỉ tiêu giảm nghèo của năm 2013 đối với tỉnh ta đã không đạt được, khi đến cuối tháng 10-2013, tỷ lệ hộ nghèo mới chỉ giảm 1,7% so với đầu năm. Trong khi đó, số hộ cận nghèo lại tăng lên 2.908 hộ, nâng tổng số hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh lên 31.149 hộ.
 
Tỷ lệ hộ nghèo giảm chậm

Tại cuộc họp trực tuyến về công tác giảm nghèo của tỉnh hồi đầu tháng 11-2013, bà Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận xét: chưa có năm nào Dak Lak đạt tỷ lệ giảm nghèo thấp như năm nay, với 53.094 hộ nghèo, chiếm 12,97% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh và chỉ giảm được 6.177 hộ, tương đương 1,7% so với đầu năm. Trong khi số hộ nghèo giảm chậm thì số hộ cận nghèo lại tăng đến 0,62% so với đầu năm, nâng số hộ cận nghèo lên 31.149 hộ, chiếm 7,61% tổng số hộ. Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội thì không có địa phương nào đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra về công tác giảm nghèo và hầu hết đều giảm thấp, như huyện Ea Súp, chỉ đạt 2,2% so với kế hoạch. Đặc biệt, có 26 xã, phường, thị trấn có hộ nghèo tăng lên so với đầu năm, gồm: TP. Buôn Ma Thuột: 3/21 xã, phường; Buôn Hồ: 3/12 xã, phường; Buôn Đôn: 3/7 xã; Cư M’gar: 3/17 xã, thị trấn; Ea Kar: 1/16 xã, thị trấn; Ea Súp: 5/10 xã, thị trấn; Krông Bông: 3/14 xã, thị trấn; Krông Năng: 4/12 xã, thị trấn; Lak: 1/11 xã, thị trấn. Có 105 xã, phường, thị trấn số hộ cận nghèo tăng lên so với đầu năm; trong đó các địa phương tăng nhiều là huyện Buôn Đôn 7/7 xã, Krông Bông 14/14 xã, thị trấn, Krông Năng 11/12 xã, thị trấn, Krông Buk 7/7 xã.

Một trong những nguyên nhân chính khiến hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm chậm, không đạt kế hoạch đề ra là do trong năm 2013 nhiều địa phương bị thiệt hại nghiêm trọng do hạn hán và mưa lũ, nhất là các huyện Ea Kar, Buôn Đôn, Krông Năng, Ea Súp, Ea H’leo... Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thật sự quan tâm đến công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa về xóa đói giảm nghèo chưa tốt. Ngoài ra còn phải kể đến tình trạng nhiều hộ dân có tư tưởng muốn được hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước nên không muốn thoát nghèo; công tác điều tra, rà soát nhiều địa phương thực hiện chưa bảo đảm quy trình nên xác định hộ nghèo chưa sát với chuẩn nghèo theo quy định; kết quả giảm nghèo của nhiều xã, phường, thị trấn chưa phản ánh đúng với thực trạng kinh tế, xã hội và thực trạng nghèo của từng địa phương.

Nông dân huyện Ea Kar tham quan mô hình phát triển ca cao bền vững.
Nông dân huyện Ea Kar tham quan mô hình phát triển ca cao bền vững.

Đâu là giải pháp?

Bàn về giải pháp thoát nghèo bền vững, đại diện Ban chỉ đạo giảm nghèo của các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp xuất phát từ thực tiễn của địa phương. Đơn cử như huyện Cư Kuin, nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo có “cần câu” để mưu sinh thoát nghèo, huyện đã chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, vừa tạo việc làm cho lao động nông thôn vừa phục vụ cho xuất khẩu lao động. Đến nay huyện đã có 1.300 lao động đi làm việc ngoài tỉnh và 69 người xuất khẩu lao động, trong đó 50 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ… đã mang về một nguồn thu nhập lớn cho gia đình, hỗ trợ người thân phát triển kinh tế và từng bước thoát nghèo. So với đầu năm 2013, tỷ lệ giảm nghèo của huyện Cư Kuin đạt 2,4%. Trước thành công trên, huyện đã đề xuất với tỉnh cho thành lập Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động để quản lý tốt hoạt động này, đồng thời tạo nguồn vốn vay cho lao động xuất khẩu. Với huyện Buôn Đôn thì nguyên nhân nghèo là do sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, các hộ đồng bào tách hộ nhiều nên thiếu đất sản xuất. Vì vậy, giải pháp đưa ra là cần tiếp tục thực hiện việc cấp đất sản xuất cho những hộ đồng bào thiếu đất và tổ chức cho nông dân đi học tập, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực, tự lực vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại; đồng thời thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Còn đối với huyện Ea H’leo, việc tạo quỹ đất sản xuất cho các hộ nghèo và đảm bảo 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất đều được vay vốn tín dụng ưu đãi là mối quan tâm hàng đầu; đồng thời chú trọng việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi cho đối tượng nghèo; lựa chọn và đưa vào trồng, sản xuất các loại giống cây, con phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương…

Nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện hiệu quả công tác điều tra, rà soát hộ nghèo bảo đảm đúng quy trình, dân chủ, công khai, công bằng, có sự tham gia của người dân; tiến hành kiểm tra, phúc tra những địa bàn có biểu hiện sai sót, có hộ nghèo tăng bất thường và không phản ánh sát với thực trạng kinh tế, xã hội địa phương. Tuyệt đối loại bỏ tình trạng vì nể nang, muốn hưởng các chính sách giảm nghèo hoặc vì thành tích mà báo cáo sai lệch thực tế số hộ nghèo tại địa phương… Tỉnh cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu giảm nghèo; gắn công tác xóa đói giảm nghèo với an sinh xã hội, tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở để làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo.

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc