Multimedia Đọc Báo in

M'Đrắk đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bán công nghiệp

09:49, 03/08/2015

Với diện tích tự nhiên rộng 133.600 ha, huyện M’Đrắk là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi đại gia súc phát triển mạnh. Tuy nhiên, diện tích đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp khiến số lượng vật nuôi giảm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân...

Lai hóa những đàn bò

Để gỡ khó, Huyện ủy M’Đrắk đã triển khai thực hiện Chương trình số 10 – Ctr/HU về “Phát triển chăn nuôi bán công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2010 – 2015” và đã tạo được nền tảng vững chắc thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Trước hết, xác định giống là vấn đề cốt lõi quyết định hiệu quả chăn nuôi, những năm qua, huyện M’Đrắk luôn chú trọng việc lai hóa, cải tạo đàn bò. Theo đó, những con bò cỏ khỏe mạnh, vóc dáng vượt trội được lựa chọn để phối giống với bò đực Zê Bu, Sind, Brahman đỏ… Ông Trịnh Văn Bàn, thôn 1, xã Cư Króa có 8 con bò lai Sind cho biết, năm 2011, gia đình được Phòng NN – PTNT huyện chọn xây dựng mô hình điểm chăn nuôi bán công nghiệp, và ông được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật làm chuồng trại, thụ tinh nhân tạo, trồng cỏ sả, cỏ VA 06 trắng, tím, cách phòng trị bệnh cho đàn bò… Sau 1 tháng, gia đình đã thu hoạch lứa đầu tiên của cỏ sả nên chủ động được thức ăn đàn bò. Tuy nhiên, do thời tiết nắng hạn kéo dài trong khi đất vườn pha cát, cỏ không phát triển kịp nên ông đã lắp đặt hệ thống béc tưới tự động chống hạn, giúp cây cỏ phát triển, tạo lượng thức ăn ổn định cho bò. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Két cũng có 3 cặp bò và 3 con trâu ở thôn 1 cho hay, trước đây chăn nuôi đại gia súc chủ yếu dựa vào đồng cỏ tự nhiên nên từ tờ mờ sáng ông phải dẫn bò đến những đồng cỏ xa để chăn thả, chiều tối mịt đàn bò mới về tới chuồng nhưng bò vẫn đói. Đặc biệt, thời gian giữa năm thường xuyên xảy ra hạn hán, cuối năm mưa lại kéo dài không chăn thả được khiến đàn bò thiếu thức ăn, còi cọc, giảm sức đề kháng. Sau khi được hỗ trợ cỏ giống (năm 2012), ông đã tận dụng đất trống trong vườn nhà, hàng rào, lề đường… để trồng cỏ, với diện tích hơn 2 sào. Nhờ vậy, đàn bò của gia đình luôn được ăn no, phát triển tốt, ít dịch bệnh; toàn bộ phân bò sau khi ủ hoai được bón cho vườn nên cây cỏ nhanh chóng phục hồi, phát triển tốt. Nắm bắt được địa hình, khí hậu thích hợp để phát triển chăn nuôi đại gia súc, Công ty TNHH Liên hợp công – nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ (thôn 8, xã Ea Lai) đã triển khai dự án chăn nuôi bò Úc với quy mô hàng trăm héc-ta (gồm trang trại và đồng cỏ), hiện đã bước sang giai đoạn 2, với hàng trăm con bê con được lai tạo thành công tại địa phương đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc cải tạo giống bò cũng như tác động tích cực tới việc thay đổi tập quán chăm sóc, canh tác đàn bò tại đây. Ông Đặng Thái Nhị, Giám đốc Công ty cho biết, qua quá trình khảo, thử nghiệm và thực tế chăn nuôi trong những năm qua cho thấy, đặc điểm khí hậu của huyện nhà rất thích hợp cho việc phát triển chăn nuôi bò ngoại. Khi cuộc sống của người dân ngày càng tăng cao thì nhu cầu sử dụng thịt bò cũng tăng theo trong khẩu phần ăn của gia đình, do vậy việc phát triển chăn nuôi là hướng đi đầy triển vọng, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Chăn nuôi bò Úc tại Công ty TNHH Liên hợp công - nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ.
Chăn nuôi bò Úc tại Công ty TNHH Liên hợp công - nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ.

Cần có sự liên kết

Theo thống kê của phòng NN – PTNT, toàn huyện hiện có 16.500 con trâu, bò, tăng 1.790 con so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ lệ bò lai chiếm trên 40%... Có được kết quả trên là nhờ các cấp ngành, địa phương đã tích cực thực hiện Chương trình số 10 của Huyện ủy, phát triển 23 mô hình tại các xã Ea Riêng, Cư Króa, Ea Pil, Ea Lai, Ea Trang… (20 mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp, 3 mô hình trồng cây thức ăn chăn nuôi đại gia súc) với tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Bên cạnh hỗ trợ kinh phí cho các mô hình, địa phương còn tổ chức tập huấn cách chọn giống, kỹ thuật chăm sóc bò thịt, bò sinh sản, bê con, trồng, chăm sóc cỏ, phương pháp ủ thức ăn cho bò bằng các phế, phụ phẩm nông nghiệp… Nhờ đó, vóc dáng bò đã được cải thiện từ 150 lên 180kg/con (bò địa phương) và 180 lên 320 kg/con (bò lai). 

Cán bộ nông nghiệp huyện M’Đrắk kiểm tra mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp của gia đình ông Trịnh Văn Bàn, thôn 1, xã Cư Króa.
Cán bộ nông nghiệp huyện M’Đrắk kiểm tra mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp của gia đình ông Trịnh Văn Bàn, thôn 1, xã Cư Króa.

Không thể phủ nhận những kết quả tích cực của việc cải tạo đàn bò trên địa bàn và việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi địa phương phát triển, tuy nhiên, đến nay đa số bà con vẫn còn sản xuất theo hướng tự phát, thiếu sự liên kết giữa các hộ dân nên việc giải quyết đầu ra cho đàn vật nuôi vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Ông Trịnh Văn Bàn cho biết, cách đây vài hôm, ông quyết định bán con bò đực lai Sind với giá 33 triệu đồng. Số tiền đó không hề nhỏ so với một người chăn nuôi như ông nhưng so với giá trị của con bò thì quá rẻ, bởi đó là con bò đực giống khỏe mạnh, vạm vỡ, tỷ lệ thịt xẻ ước đạt gần 200 kg, thời điểm được giá đạt khoảng 40 triệu đồng. Tương tự, ông Nguyễn Văn Két có ý định bán bò khi thương lái tới tìm mua, nhưng khi chốt giá họ lại nâng lên đặt xuống, mua bò thịt mà viện cớ đuôi xấu, lông không đều… để hạ giá. Do vậy, ông rất mong muốn các cấp, ngành chức năng thành lập các tổ, nhóm liên kết để hỗ trợ nhau sản xuất, đứng ra giao dịch với thương lái để bà con không bị thua thiệt khi bán gia súc của mình.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN – PTNT huyện cho biết, việc lai tạo, phối giống gặp rất nhiều khó khăn do nguồn giống chất lượng khan hiếm, đa số các hộ chăn nuôi ở mức độ nhỏ lẻ, nhận thức của một số người dân còn hạn chế nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi rất khó. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phòng trừ dịch bệnh cho đàn bò của bà con, vận động người dân mở dộng diện tích đồng cỏ, duy trì việc chế biến thức ăn chăn nuôi…

 Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc