Multimedia Đọc Báo in

Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên: Triển vọng giảm nghèo từ những mô hình sinh kế

09:49, 22/01/2016

Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh Đắk Lắk tiếp tục giảm 3%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2015 chỉ còn trên 7%, đạt mục tiêu giảm nghèo đề ra. Tuy nhiên, các khảo sát của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại 5 huyện nghèo cho thấy, vẫn còn tình trạng thiếu đói vào giai đoạn giáp hạt, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng chiều cao còn cao. Nguyên nhân là do khả năng canh tác sản xuất của người dân còn hạn chế, chưa chú trọng tận dụng các điều kiện sẵn có để chủ động nguồn thực phẩm trong gia đình.

Với mục tiêu nâng cao cơ hội sinh kế, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đang triển khai đồng bộ các giải pháp để cải thiện bền vững mức sống cho các hộ gia đình và cộng đồng nghèo tại 25 xã của 5 huyện trong vùng dự án tại tỉnh Đắk Lắk. Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk cho biết: Xác định hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất là khâu đột phá giúp người dân thoát nghèo, hợp phần 2 – phát triển sinh kế bền vững, được Dự án tập trung đầu tư với tổng vốn trên 8,4  triệu USD, trong tổng số 28 triệu USD đầu tư cho toàn dự án tại Đắk Lắk. Mục tiêu của hợp phần này là nhằm cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng, đa dạng hóa sản xuất, phát triển liên kết thị trường để tạo thu nhập bền vững cho người dân.

Bà H’Ring B’Krông (buôn Tul B, xã Ea Wer, Buôn Đôn) chăm sóc vườn rau được trồng từ sự hỗ trợ của Dự án.
Bà H’Ring B’Krông (buôn Tul B, xã Ea Wer, Buôn Đôn) chăm sóc vườn rau được trồng từ sự hỗ trợ của Dự án.

Cũng như các hợp phần về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các hỗ trợ của Dự án theo hợp phần này phải xuất phát từ nhu cầu và đặc điểm của người hưởng lợi, nghĩa là các hỗ trợ phải do chính người hưởng lợi đề xuất, Dự án sẽ tiến hành thẩm định và thực hiện đầu tư. Qua gần 1 năm triển khai hoạt động, Dự án đã hình thành 166 nhóm cải thiện sinh kế (hay còn gọi là nhóm LEG) tại 25 xã, mỗi nhóm có từ 10 đến 20 hộ. Thành phần tham gia mỗi loại LEG được ưu tiên cho các hộ nghèo, cận nghèo và phụ nữ, cụ thể: LEG an ninh lương thực và dinh dưỡng (ANLT&DD) có 100% thành viên là phụ nữ, ưu tiên phụ nữ hiện đang có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi, những gia đình có con bị suy dinh dưỡng, trong đó tối thiểu 70% thành viên thuộc các hộ nghèo và cận nghèo; với LEG đa dạng hóa sinh kế (ĐDHSK) và LEG kết nối thị trường (KNTT) có tối thiểu 50% - 70% thành viên là từ các hộ nghèo và cận nghèo.

Qua đề xuất của các nhóm và khảo sát đặc điểm tình hình địa phương, năm 2015, Dự án đã hỗ trợ triển khai LEG ANLT - DD với 2 loại Tiểu dự án (TDA) sinh kế phổ biến là trồng lúa và cải tạo vườn hộ nhằm nâng cao hiệu quả trồng lúa, trồng ngô để củng cố an ninh lương thực và dinh dưỡng cho hộ nghèo tại vùng dự án; LEG ĐDHSK gồm các TDA hỗ trợ chăn nuôi bò, trồng mía... giúp người dân đa dạng hóa sản xuất, tranh thủ các phân khúc thị trường nhỏ, nâng cao thu nhập.

Đến nay, qua triển khai Dự án, đã có 75 nhóm cải tạo vườn hộ, 64 nhóm trồng lúa lai, 3 nhóm trồng ngô lai, 22 nhóm nuôi bò, 3 nhóm trồng mía triển khai tại 25 xã vùng dự án. Các hộ tham gia đều được tuyên truyền hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc triển khai mô hình; được tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống mới, vốn đầu tư chăm sóc … nên tích cực tham gia.

Từ sự hỗ trợ của Dự án, ông Y Ril Ksơr (buôn Năng, xã Cư M’tar, huyện M’Đrắk) đã thành thạo việc chăm sóc bò.
Từ sự hỗ trợ của Dự án, ông Y Ril Ksơr (buôn Năng, xã Cư M’tar, huyện M’Đrắk) đã thành thạo việc chăm sóc bò.

 Với cách triển khai chặt chẽ dựa trên nhu cầu của người dân, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, các mô hình triển khai theo nhóm, đảm bảo có sự đồng hành hỗ trợ, hướng dẫn và giám sát của cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng (hay còn gọi là cán bộ CF). Hầu hết các mô hình triển khai đều mang lại hiệu quả, bước đầu cải thiện sản xuất, thu nhập của người dân tham gia Dự án. Bà H’Ring B’Krông, buôn Tul B, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, một thành viên tham gia nhóm LEG ANLT&DD phấn khởi cho biết: “Bà con buôn mình nhà nào cũng có đất vườn quanh nhà, nhưng trước đây chỉ biết nuôi heo thả rông theo truyền thống, không trồng gì hết. Dự án đã giúp bà con tập hợp theo nhóm, nhóm được cán bộ Dự án tuyên truyền, tập huấn cách làm rau, chăn nuôi, cách chế biến để đảm bảo dinh dưỡng ... và hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, làm chuồng .... Bà con trong nhóm mình nhà nào cũng trồng rau, nuôi heo, nuôi gà nên có rau ăn hàng ngày, có heo, có gà Tết không phải lo thiếu ăn nữa. Riêng vườn nhà mình ngày nào cũng có rau bán, tăng thêm thu nhập”.

Bên cạnh những mô hình cải tạo vườn hộ giúp người dân tự chủ hơn trong việc tận dụng những điều kiện sẵn có, phát triển sản xuất, đa dạng nguồn thực phẩm trong gia đình, các mô hình lúa, ngô sản xuất kém hiệu quả cũng đã được cải thiện. Năng suất lúa vụ hè thu trước đây chỉ đạt chưa tới 5 tạ/sào, đã được nâng lên 7 tạ/sào;  ngô tăng từ 5 tạ/sào lên 6-6,5 tạ/sào thông qua việc sử dụng giống mới, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất và sử dụng vật tư, phân bón đúng cách. Bước đầu, Dự án đã đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng cho người dân vùng dự án.

Đối với các nhóm đa dạng hóa sinh kế, cũng với hình thức triển khai theo nhóm dựa trên đề xuất của cộng đồng để lựa chọn mô hình sinh kế, Dự án đã hỗ trợ 22 nhóm nuôi bò lai, 3 nhóm trồng mía. Các nhóm nuôi bò được Dự án đầu tư tiền cho bà con tự chọn mua con giống, nâng cao năng lực cho người tham gia thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Các nhóm trồng mía ở huyện M’Đrắk đang chuẩn bị xuống giống trong mùa tới. Bà Amí Ly ở buôn Băng Kung, xã Ea Trul, huyện Krông Bông cho biết: Gia đình bà trước đây chỉ làm 2 sào ruộng, thu hoạch hàng năm không đáng là bao. Để có thêm thu nhập, 2 vợ chồng phải thường xuyên đi làm thuê, làm mướn. Khi Dự án triển khai, 11 hộ nghèo và cận nghèo trong buôn đã được tập hợp với nhau thành nhóm và được Dự án hướng dẫn sinh hoạt nhóm, thảo luận, bàn bạc và thống nhất đề xuất hỗ trợ nuôi bò. Trên cơ sở đó, cùng với đặc thù của địa phương có truyền thống chăn nuôi bò, Dự án đã hỗ trợ mô hình nuôi bò cái sinh sản cho nhóm cộng đồng buôn Băng Kung. Tuy lần đầu tiên nuôi bò, nhưng nhờ được Dự án tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, các thành viên trong nhóm thường xuyên họp, chia sẻ, rút kinh nghiệm, cán bộ CF theo dõi, hướng dẫn đã  giúp bà và nhiều hộ khác chăm sóc tốt con bò được hỗ trợ.

Theo đánh giá của Ban quản lý dự án các cấp, qua triển khai các mô hình sinh kế, đến nay hầu hết các hộ nghèo tham gia Dự án đã tiếp thu và vận dụng tốt các quy trình kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống mới, gieo trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo hướng dẫn, biết tính toán sử dụng vật tư, phân bón hợp lý, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi đúng cách. Việc tổ chức sản xuất theo nhóm đã tạo cơ sở để hình thành vùng sản xuất tập trung, đủ lớn đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây cũng là cơ sở để Dự án tiếp tục kết nối với doanh nghiệp, phát triển thị trường trong thời gian tiếp theo.

Bảo Uyên


Ý kiến bạn đọc