Multimedia Đọc Báo in

Cư Suê tập trung nguồn lực giúp người dân phát triển kinh tế

10:46, 01/09/2016

Xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong thời gian qua, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) đã tập trung mọi nguồn lực, khai thác tối đa những lợi thế của địa phương để thực hiện được nhiệm vụ này.

Xã Cư Suê có lợi thế là đất đỏ bazan với diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 3.200 ha, thích hợp trồng cây công nghiệp lâu năm. Tuy nhiên do địa bàn có trên 60% dân số là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Vì vậy, xã đã tập trung thực hiện giải pháp định hướng cho bà con phát triển kinh tế theo hướng bền vững, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật và vận động người dân áp dụng mô hình đa cây trồng vật nuôi, giúp bà con tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi… Những biện pháp trên đã phát huy hiệu quả, giúp đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Nếu năm 2013, xã Cư Suê có tới 197 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,4% thì đến nay số hộ nghèo của xã giảm còn 138 hộ, chiếm 5,9%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của xã đạt từ 6-8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/năm. Đặc biệt, nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu.

Vườn cà phê xen hồ tiêu của gia đình ông Huỳnh Văn Hiền (thôn 4, xã Cư Suê) cho hiệu quả kinh tế cao.
Vườn cà phê xen hồ tiêu của gia đình ông Huỳnh Văn Hiền (thôn 4, xã Cư Suê) cho hiệu quả kinh tế cao.

Đơn cử như trường hợp gia đình ông Huỳnh Văn Hiền ở thôn 4. Trước đây, hơn 6 sào đất của gia đình ông Hiền chỉ trồng độc canh cây cà phê. Giá cả bấp bênh, vốn đầu tư cao, công chăm sóc nhiều, lại chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên vườn cà phê của gia đình ông năng suất rất thấp, thu nhập không ổn định. Được tập huấn về khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở một số nơi, ông Hiền nhận thấy mô hình trồng cà phê xen hồ tiêu mang lại hiệu quả kinh tế khá nên vào năm 1999, ông đã mạnh dạn đưa 300 trụ tiêu vào trồng xen trong vườn. Ông chọn các trụ tiêu là các cây trụ sống một phần để cây tiêu leo được cao hơn, cho sản lượng cao, phần còn lại để làm cây che bóng mát cho cà phê, giúp tăng độ ẩm, hạn chế được lượng nước tưới. Ông tuân thủ đúng hướng dẫn đã được học về chăm sóc cây tiêu. Nhờ vậy, đến năm 2012 vườn tiêu của gia đình ông đã cho thu hoạch 3 tấn tiêu hạt. Thấy được hiệu quả từ mô hình này đem lại, ông Hiền đã trồng thêm 600 trụ tiêu xen trong vườn cà phê. Có nguồn thu nhập ổn định từ cây tiêu, ông Hiền đã mua thêm 8,5 sào đất để trồng tiêu. Ngoài ra, ông còn cải tạo lại vườn cà phê đã già cỗi của mình bằng phương pháp ghép chồi đến nay đã cho thu bói. Hiện nay, thu nhập của gia đình ông Hiền sau khi trừ chi phí đạt 400 triệu đồng/năm. Gia đình ông Đỗ Hùng Xô ở thôn Ea Mô cũng là hộ có được nguồn thu nhập ổn định từ việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Do cà phê đã già cỗi, năng suất giảm dần trong khi giá thành vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao, thời tiết diễn biến thất thường nên ông Xô đã tìm tòi hướng đi mới bằng cách tái canh dần cây cà phê, đưa cây tiêu vào trồng kết hợp chăn nuôi dê. Đến nay, đàn dê của ông đã phát triển được 30 con, trong đó có 8 con dê giống và 22 con dê con. Bình quân mỗi năm ông cung cấp ra thị trường 15 con dê thịt với giá dao động từ 2,5 - 3 triệu đồng/con; 150 trụ tiêu đưa vào trồng năm 2012 của ông đã cho thu bói được hơn 2 tạ tiêu hạt và hơn 1 tấn cà phê nhân xô. Mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Cuối năm 2015, ông còn phá bỏ 2 sào cà phê để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Ông Xô dự định sẽ tiến hành xây dựng lại chuồng trại cố định và mở rộng quy mô chăn nuôi với số lượng từ 80-100 con dê.

Đến nay, xã Cư Suê đã đạt 15/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cư Suê đang tiếp tục phấn đấu đến năm 2018 hoàn thành 4 tiêu chí còn lại về giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn và hộ nghèo để trở thành xã nông thôn mới. 

H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc