Multimedia Đọc Báo in

Du lịch Đắk Lắk: Hướng đến phát triển bền vững (Kỳ 2)

09:06, 20/05/2019

Không đầu tư tương xứng, sản phẩm đơn điệu, hời hợt và đặc biệt là việc đánh giá, chia sẻ lợi ích từ nguồn tài nguyên thiên nhiên giữa các ngành nghề thiếu hài hòa… là những nguyên nhân khiến ngành “công nghiệp không khói” ở Đắk Lắk lâm vào cảnh khó khăn.

Để có thể phát triển theo hướng bền vững như mong đợi, buộc ngành du lịch phải sớm có những giải pháp khắc phục hữu hiệu.        

Kỳ 2: Cần xây dựng và nâng tầm sản phẩm du lịch đặc thù

Điều đó có thể thấy và chia sẻ từ các đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua. Mặc dù thống kê của Sở VH-TT-DL đưa ra lượng khách có tăng khoảng 28%, tương ứng với 86.000 lượt người so với cùng kỳ năm 2018, nhưng theo ghi nhận của hầu hết các hãng lữ hành đưa khách đến các điểm du lịch nổi tiếng như Buôn Đôn, Hồ Lắk, cụm thác Gia Long - Dray Nur (Krông Ana), Trinh Nữ (Krông Năng), Krông Kmar (Krông Bông) và Khu du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột)… thì ở đó chỉ hút được phần lớn du khách là người dân địa phương đến vui chơi trong ngày, còn khách phương xa tìm đến và lưu lại không nhiều.         

Một hướng dẫn viên du lịch của Công ty lữ hành tầm cỡ Vietravel (có trụ sở ở TP. Buôn Ma Thuột) cho hay: Du khách đến từ các tỉnh thành khác, kể cả khách quốc tế có xu hướng quay lưng với du lịch Đắk Lắk, vì quá đơn điệu, đôi khi còn có cảm giác hụt hẫng khi tận mắt chứng kiến những sản phẩm du lịch (nhất là du lịch văn hóa - sinh thái) ở đây rất kém chất lượng. Cứ cưỡi voi xong, rồi cơm lam, gà nướng phục vụ như nhiều đơn vị kinh doanh du lịch ở Buôn Đôn, Lắk đã từng làm thì sao hấp dẫn du khách được. Hơn thế, điều khiến du khách mất niềm tin ở chỗ: khi giới thiệu, quảng bá các tour - tuyến du lịch hiện có thì tỏ ra khá hấp dẫn, đến lúc “mục sở thị” thì khiến nhiều người thất vọng.

Tìm hiểu và trải nghiệm vốn dân ca, dân vũ của người Êđê là sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc,  thu hút du khách khi đến TP. Buôn Ma Thuột.
Tìm hiểu và trải nghiệm vốn dân ca, dân vũ của người Êđê là sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, thu hút du khách khi đến TP. Buôn Ma Thuột.

Với sản phẩm du lịch đặc thù được giới thiệu (như cưỡi voi, bơi thuyền, vượt thác, trekking rừng, ngủ nhà dài và trải nghiệm đời sống văn hóa với đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ), tuy nhiên khi đến nơi, du khách yêu cầu được thỏa mãn, thụ hưởng các sản phẩm đó thì một số đơn vị kinh doanh du lịch ở đây không thể đáp ứng được, hoặc đáp ứng một cách qua loa, hời hợt. Ví như tại một số khu du lịch ở Buôn Đôn, Lắk hay Krông Ana…, các hoạt động, dịch vụ vượt thác, trekking rừng, bơi thuyền đã không còn tồn tại (vì nhiều lý do như sông suối khô kiệt, rừng bị tàn phá và không ngừng bị thu hẹp), nhưng trên nhiều phương tiện quảng bá, giới thiệu của họ vẫn ghi đầy đủ các sản phẩm du lịch trên để thu hút  du khách. Cứ nhiều lần lặp đi, lặp lại như thế buộc du khách không thể không nghi ngờ. Và chính vì lý do đó khiến hầu hết các công ty kinh doanh lữ hành nội địa cũng như quốc tế ở Đắk Lắk gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm, thu hút du khách đến đây.

Ông Lê Hoàng Cơ, Giám đốc Công ty Du lịch - Thương mại Dam San cho rằng, do tình trạng quảng cáo một đường, chất lượng sản phẩm một nẻo như vậy nên buộc lòng du khách tìm đến với những vùng, miền có sản phẩm du lịch cùng hệ và cùng lợi thế, nhưng chất lượng tốt hơn Đắk Lắk. Hiện có không ít công ty lữ hành ở đây đã thận trọng hơn trong việc chào mời, ký kết việc đưa đón du khách đến các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Cách tốt nhất, theo họ là trong lịch trình từng tour - tuyến không cam kết cụ thể sản phẩm du lịch nào chắc chắn (ngoài thời gian, địa điểm, ăn, ngủ) mà tùy vào thực tế mỗi nơi để hướng dẫn và phục vụ du khách theo kiểu “có món gì, dùng món đó” (!?). Cách làm “cực chẳng đã” này cộng với cung cách khai thác, kinh doanh thiếu bài bản, lớp lang và rất không chuyên nghiệp của các đơn vị làm du lịch hiện nay càng khiến ngành du lịch khó đạt mục đích thu hút du khách đến với vùng đất này.         

Lễ cúng sức khỏe cho voi, một sản phẩm du lịch đặc thù của Đắk Lắk.
Lễ cúng sức khỏe cho voi, một sản phẩm du lịch đặc thù của Đắk Lắk.

Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch tỉnh, vấn đề đáng quan tâm ở đây không nằm ngoài điều “cốt tử” là các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh du lịch hoặc đã bỏ trống, hoặc thiếu quyết tâm trong việc xây dựng hình ảnh của mình thông qua những sản phẩm có chiều sâu và đồng bộ nhằm đưa đến thông điệp hấp dẫn, chuẩn xác cho các đơn vị lữ hành giới thiệu, quảng bá để cùng góp sức biến Đắk Lắk  thành điểm đến thật sự trên bản đồ du lịch khu vực Tây Nguyên và cả nước.

(Còn nữa)

Phương Đình

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.