Multimedia Đọc Báo in

Sức mạnh của hương ước trong đời sống ngày nay

16:18, 27/03/2014
Trong kho tàng văn hóa đa dạng, đặc sắc của các dân tộc Việt Nam còn ẩn dấu một di sản văn hóa vô cùng quý báu, đó chính là các hương ước mà nhân dân ta vẫn quen gọi nôm na là lệ làng, lệ buôn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngày nay, tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, những giá trị tốt đẹp của hương ước vẫn được phát huy bền vững, góp phần giữ ổn định đời sống cộng đồng.
 
Theo thống kê của Sở Tư pháp, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.343 thôn, buôn đã xây dựng và ban hành hương ước, đạt 95%. Hương ước là bản pháp lý tự quản của các buôn, làng trong khuôn khổ những quy định cho phép của pháp luật Việt Nam, nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ trong xã hội, cộng đồng. Các điều lệ quy định trong hương ước thường ngắn gọn, dễ nhớ, liên quan đến các mặt của đời sống thực tại, hài hòa giữa tập quán và luật pháp, hỗ trợ đắc lực cho pháp luật của Nhà nước được thực thi có hiệu quả ở khu dân cư. Thông qua hương ước, mối quan hệ cộng đồng cũng ngày càng được thắt chặt, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, khuyến khích con em học giỏi chăm ngoan... Khác với những năm trước đây, việc xây dựng hương ước hiện đại luôn tuân thủ nguyên tắc dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, được thông qua tại hội nghị toàn dân trong buôn, làng. Ban tự quản thôn buôn gồm những người được bà con tin tưởng bầu ra để thực hiện công tác quản lý, giữ các văn bản hương ước của buôn, đồng thời làm “cầu nối” giữa người dân với chính quyền xã, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân một cách gần gũi, nhanh chóng nhất.
 
Hương ước của thôn 3, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) được các vị già làng, trưởng buôn lưu truyền và được người dân cùng thống nhất sửa đổi bổ sung phù hợp qua nhiều thế hệ. Già làng thôn 3 Nguyễn Văn Đồng cho biết, tất cả việc lớn, nhỏ của thôn đều được đưa ra bàn bạc trước dân để lấy ý kiến thống nhất xây dựng hương ước. Sau khi được UBND TP. Buôn Ma Thuột phê duyệt thì hương ước này trở thành “bộ luật của làng”, do chính đông đảo người dân đặt ra nên luôn nhận được sự đồng lòng, chung sức và nghiêm túc thực hiện của bà con trong thôn. Nhiều nội dung của tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới được triển khai nhanh chóng, trong đó có việc xây dựng đường giao thông thôn, giữ gìn an ninh trật tự địa phương, vệ sinh đường làng ngõ xóm… Cùng với đó, vấn đề an sinh xã hội cũng được hương ước quy định rõ như chống tảo hôn, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng phải bình đẳng, tôn trọng và chung thủy; vợ chồng chỉ được sinh từ 1 đến 2 con, tránh đẻ dày... Nếu hộ nào vi phạm các cam kết trong bản hương ước thì đưa ra kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc trước mọi người; còn hộ nào thực hiện tốt các quy định trong hương ước thì sẽ được đề nghị cấp trên khen thưởng. Chính nhờ quy định này, hơn 4 năm qua, 100% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ ba; hạn chế được nạn tảo hôn, đặc biệt, bỏ được hủ tục để người chết trong nhà quá 3 ngày, rồi tổ chức ăn uống linh đình.... Đời sống của người dân trong thôn ngày càng khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2-4% mỗi năm, nhiều hộ còn làm kinh tế giỏi, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng như gia đình Nguyễn Văn Linh, Trần Thị Huệ…
 
Bên cạnh công tác xã hội, vận động bàn con làm theo hương ước của thôn, già làng Nguyễn Văn Đồng (thôn 3, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) còn tích cực tăng gia sản xuất tăng  thu nhập cho gia đình.
Bên cạnh công tác xã hội, vận động bàn con làm theo hương ước của thôn, già làng Nguyễn Văn Đồng (thôn 3, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) còn tích cực tăng gia sản xuất tăng thu nhập cho gia đình.

Bên cạnh các hương ước về an ninh trật tự, an sinh xã hội thì tại buôn Ea Mắp (xã Ea Pôk, huyện Cư M’gar) lại có bản hương ước quy định rõ về việc gìn giữ và bảo vệ rừng H’lăm trên địa bàn của buôn. Hương ước nêu rõ: “Đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà. Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng, trông coi cây K’tơng, cây K’nia, không được xâm phạm”. Già làng Y Ruê Mlô chia sẻ: Lệ làng không thể đem ra so với luật pháp nên ban tự quản buôn không bắt bớ, không phạt tiền mà chỉ xử lý nội bộ, lấy giáo dục là chính. Vì vậy, buôn sẽ tổ chức họp họ tộc, họp buôn nêu tên người vi phạm ra để kiểm điểm. Nếu tái phạm nhiều sẽ bị dân làng chê cười, cách ly quan hệ… Nhờ vậy mà giờ đây, khu rừng H’lăm có diện tích hàng chục héc-ta vẫn sừng sững giữa cao nguyên Dak Lak với một màu xanh mướt của nhiều cây đại thụ hàng trăm năm tuổi. Già Y Ruê Mlô khẳng định: Giá trị mà khu rừng H’lăm đem lại cho địa phương không hề nhỏ, là lá chắn vững chắc giúp làm giảm nhẹ thiên tai, lũ lụt, hay mùa hạn hán Tây Nguyên hằng năm; giữ các mạch nước ngầm, những con suối nơi đây không bao giờ cạn, đem lại nguồn nước sinh hoạt, ăn uống dồi dào, trong lành cho bà con. Bảo vệ rừng không chỉ là bảo vệ đời sống, kinh tế của người dân mà còn để gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình như lễ bỏ mả, cúng bến nước, cúng thần rừng, khai nương…

Bà Phan Thị Hồng Thắng, Chánh Văn phòng Sở Tư pháp nhận định: Nhìn chung các bản hương ước đều có những quy định phù hợp pháp luật, góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống của dân tộc, hỗ trợ việc quản lý và phát huy tính tự quản của cộng đồng dân cư trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở cơ sở. Nếu nhiều năm trước đây nhân dân bức xúc về việc cưới, việc tang được tổ chức ăn uống linh đình gây tốn kém, lãng phí, nhiều hủ tục phức tạp, mê tín dị đoan tràn lan trong các lễ hội, thì hiện nay, vấn đề này đã được điều chỉnh. Đám tang nhiều nơi đã bỏ hẳn tục làm cỗ mời cả làng, giảm số vòng hoa, lễ mặn. Ở nhiều địa phương, nhân dân hưởng ứng việc tổ chức đám cưới tiệc trà. Thông qua việc thực hiện hương ước, sự liên kết trong cộng đồng chặt chẽ hơn, mỗi người sống trách nhiệm hơn đối với bản thân, gia đình và xã hội, biết làm điều tốt, tránh xa cái ác, góp phần xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, đẩy lùi các tệ nạn xã hội... Đó chính là cơ sở để các gia đình phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa, các làng xây dựng làng văn hóa.

Quốc Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Đại lễ Phật đản
Đại lễ Phật Đản năm 2024 - Phật lịch 2568 tại tỉnh Đắk Lắk diễn ra trong không khí trang nghiêm. Tất cả các cơ sở thờ tự Phật giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được trang hoàng rực rỡ cờ hoa, phẩm lễ..., với mong muốn đón một đại lễ thật ý nghĩa, trang trọng.