Multimedia Đọc Báo in

Nỗi niềm bưu tá vùng sâu

09:07, 15/07/2017

Bưu tá vốn là một nghề vất vả, khi làm công việc ấy ở các xã vùng sâu vùng xa, mọi khó khăn càng nhân lên gấp bội.

Thế nhưng, bất kể nắng mưa, vượt qua các trở ngại, họ vẫn đều đặn tới khắp thôn, buôn để đưa những lá thư, tờ báo, bưu phẩm đến tận tay người nhận.

Nếu ở thành phố, các bưu tá được đi trên những con đường bê tông thẳng tắp thì các đồng nghiệp của họ làm tại các xã vùng sâu đặc biệt khó khăn như huyện M’Đrắk thì cảnh băng rừng, trèo đèo, lội suối là chuyện thường ngày…

Vượt đèo, lội suối

Anh Triệu Văn Hương (30 tuổi) theo nghề bưu tá được 3 năm đã “thấm” hết nỗi gian truân của nghề này. Anh là bưu tá xã Cư San, một nơi đặc biệt khó khăn, xa nhất của huyện M’Đrắk. Hằng ngày, anh phải vượt hơn 20 cây số từ xã Cư San đến xã Ea Trang qua các con đèo quanh co, lên con dốc cheo leo mà người dân gọi vui là “tắt thở”, để nhận giấy tờ, thư, bưu phẩm, sau đó quay trở về đến từng thôn, buôn để phát tận tay người nhận. Anh Hương tâm sự: “Đặc thù của những xã vùng sâu như Cư San là dân cư rất thưa thớt, từng thôn buôn nằm cách xa nhau, có khi đến mấy chục cây số nên việc chuyển bưu phẩm, báo chí mất nhiều thời gian. Mỗi ngày tôi phải giao hết khoảng 50 tờ báo đến các thôn trưởng, bí thư chi bộ, người uy tín... Lúc nào về nhà cũng tối mịt, có hôm cố gắng cũng không giao hết”. Đường sá đi lại ở mỗi thôn không chỉ xa mà còn muôn vàn trắc trở. Anh Hương kể, để đến thôn Ea Sanh, anh phải băng qua con suối, trời mưa phải đi qua ván, còn như lũ năm ngoái nước dâng phải kết bè mới đi được.

Chị H'Bốp phát bưu phẩm cho người dân ở xã Ea Trang.
Chị H'Bốp phát bưu phẩm cho người dân ở xã Ea Trang.

Là một văn thư xã kiêm thêm nghề bưu tá nên anh Hương rất bận rộn. Công việc của anh được vợ là chị Triệu Thị Viên (26 tuổi) san sẻ. Chị làm giáo viên, đang nghỉ hè nên phụ chồng làm thêm. Chị tâm sự, khi đi phát hàng, sợ nhất là con đường vào thôn 4 vì phải vượt qua gần 7 km đường núi heo hút nguy hiểm, ở dưới là vực sâu, bên trên đất đồi dễ sạt lở, lúc trời mưa đi qua phải “nín thở”.

 Cách trung tâm huyện 20 km, xã Cư Brao có nhiều thôn, buôn nằm heo hút trong những cánh rừng, con suối, nhưng đó lại là con đường hằng ngày mà chị Huỳnh Thị Thúy ( 36 tuổi) phải đi qua. “Tôi làm nghề bưu tá được gần 10 năm nay rồi. Khi mới nhận công việc này, tôi cũng e ngại lắm. Vì để phát tận tay thư từ, bưu phẩm, tôi phải đi qua những nơi vắng vẻ, có khi đi 10 cây số rồi mới có một ngôi nhà. Từ  thôn 1 đi các buôn Jo, buôn Hoan, buôn Pa, buôn Năng mười mấy cây số, những hôm trời mưa lầy lội, xe không lăn bánh nổi. Tôi đứng khóc luôn đấy” - chị Thúy kể.

Những nỗi niềm “khó nói”

Tôi theo chân chị H’Bốp (37 tuổi) bưu tá xã Ea Trang đi phát thư, bưu phẩm ở thôn 1, với những nhà người quen thì chị phát rất nhanh, nhưng đến những địa chỉ lạ, chúng tôi phải đi vòng vo cả buổi cũng chưa tìm được. “Ngày nào cũng gặp trường hợp như vậy cả. Ở đây, không có số nhà, trùng tên nhiều nên rất khó tìm. Có trường hợp người nhận không phải dân bản địa mà từ nơi khác đến làm thuê, ghi địa chỉ là “ngã ba rừng keo”. Mà nơi đây toàn rừng keo, thế là phải trở về” - nói xong chị H’Bốp gọi lại chủ gói hàng nhưng không liên lạc được. Chúng tôi đành thất thểu tìm quán nước nghỉ ngơi. Kiểm tra những tờ báo, bưu phẩm chưa phát được chị kể tiếp: “Ở vùng sâu này sóng điện thoại yếu, đi phát hàng giữa chừng thường gọi không được. Khi có thư từ quan trọng phải phát trong ngày nhưng không gặp được người nhận, đành nhờ buôn trưởng nhận hộ”. Theo lời chị H’Bốp, còn có nhiều khách hàng bắt đợi cả mấy tiếng đồng hồ, vì đường xa chị ngại quay về nên cứ…đợi.

Anh Triệu Văn Hương cho hay: Xã Cư San gần 99% là đồng bào dân tộc thiểu số, ít người biết nói tiếng Kinh nên việc hỏi đường, tìm nhà rất khó, hỏi ai cũng đều nhận được cái lắc đầu. Nhưng khi tìm đến nhà được rồi lại lắm chuyện “nhức đầu”. Mới đây có trường hợp phát “Thư bảo đảm” của Tòa án, người nhận còn tìm đến nhà gây sự với gia đình anh, phải nhờ chính quyền giải thích đó chỉ là hiểu lầm mới yên chuyện. Còn phát bưu phẩm COD là mệt nhất, khách hàng cứ nằng nặc đòi mở, trong khi đã dán tem không cho phép xem trước, nhiều trường hợp anh Hương phải bỏ tiền túi để đền hàng.

Dẫu còn đấy bao khó khăn trong nghề, nhưng các bưu tá vùng sâu như những cánh chim không mỏi vẫn ngày ngày lặng lẽ ngược xuôi làm chiếc cầu nối nhịp thông tin, trao niềm vui cho mọi người. 

   Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc