Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức cho phụ nữ vùng biên

08:43, 21/05/2018

Được quan tâm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ vốn khởi nghiệp, phụ nữ vùng biên giới của tỉnh có thêm điều kiện để vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tích cực tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

Chăm lo sức khỏe cho phụ nữ nghèo

Xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn) chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 52%. Do tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, việc giữ gìn vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh chưa được coi trọng… nên người dân ở đây thường mắc một số bệnh về da, đường hô hấp, tiêu hóa. Trong khi đó, thu nhập của người dân đều phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên việc chăm lo sức khỏe ít được quan tâm, nhất là chị em phụ nữ. Mỗi lần đau ốm họ thường ra quầy thuốc tự mua thuốc về uống, chỉ khi nào bệnh nặng thì mới chịu đi bệnh viện.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hương trao vốn khởi nghiệp cho phụ nữ vùng biên.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hương trao vốn khởi nghiệp cho phụ nữ vùng biên.

Sức khỏe yếu, hay đau ốm nhưng do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi bệnh viện thăm khám, mua thuốc nên tháng 4 vừa qua, khi nhận được tin có đợt khám bệnh cho phụ nữ nghèo, chị H’Nụ Buđăm (buôn Ea Rông, xã Krông Na) rất mừng. Chị cùng chị em trong buôn từ sáng sớm đã tập trung về hội trường UBND xã chờ các y, bác sĩ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn khám bệnh, phát thuốc. Chị H’Nụ cho biết: “Bà con nơi đây cũng thường xuyên được các đoàn y, bác sĩ về thăm khám, phát thuốc nhưng buổi khám bệnh này chỉ dành riêng cho phụ nữ nên chị em phấn khởi lắm.” Tại đây, các chị được khám bệnh, phát thuốc miễn phí, được tư vấn sức khỏe sinh sản, cách phòng chống một số bệnh thường gặp khi chuyển mùa. Đặc biệt, có 30 trường hợp được bác sĩ chuyên khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn tư vấn, làm giấy chuyển viện lên tuyến trên để khám và điều trị kịp thời.

Hỗ trợ vốn khởi nghiệp

Nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ khó khăn vùng biên giới thực hiện những ý tưởng, mô hình sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 12 hội viên có hoàn cảnh khó khăn của 2 xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) và  Ia R'vê (huyện Ea Súp).

Các y, bác sỹ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh khám bệnh cho phụ nữ xã Krông Na (huyện Buôn Đôn).
Các y, bác sỹ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh khám bệnh cho phụ nữ xã Krông Na (huyện Buôn Đôn).

Chị H’Siên Kbuôr ở buôn Trí B, xã Krông Na cho biết, nguồn vốn hỗ trợ sẽ giúp chị hiện thực hóa ý tưởng nuôi heo bản địa để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Gia đình chị H’Siên thuộc diện hộ nghèo, thu nhập của cả gia đình đều phụ thuộc vào 5 sào đất trồng cà phê, điều đã cằn cỗi nên vợ chồng chị phải thường xuyên đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Đầu năm 2017, chị bỏ ra 1 triệu đồng mua một cặp heo bản địa về nuôi. Sau 1 năm chăn nuôi, cặp heo đã sinh sản được 8 con heo con, với giá bán 1-2 triệu đồng/cặp, chị H’Siên bắt đầu có lãi từ việc nuôi heo. Nhận thấy giống heo này ít bệnh tật, không tốn nhiều công chăm sóc, thức ăn cho heo thường là những thứ có sẵn trong tự nhiên như cám gạo, rau lang, thân chuối... chị muốn mở rộng quy mô chăn nuôi nhưng lại không có vốn. “Từ số tiền 10 triệu đồng được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ, gia đình sẽ mua thêm heo giống để nuôi, số tiền còn dư dùng để sửa lại chuồng”, chị H’Siên cho biết.

Còn chị Nguyễn Thị Dung (thôn 7, xã Ia R'vê) đã mạnh dạn chuyển đổi 0,5 ha đất trồng điều kém hiệu quả của gia đình sang trồng 500 trụ thanh long ruột đỏ. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cộng với khí hậu ở đây khá phù hợp nên vườn thanh long sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình chị. Nhưng do chưa có điều kiện để khoan giếng, trong khi mùa khô ở đây thường kéo dài nên chị phải xoay xở đủ cách mới có đủ nước để tưới cho vườn cây. Với số tiền 30 triệu đồng được hỗ trợ từ nguồn vốn khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh trao, chị Dung đã khoan giếng cũng như nâng cấp lại hệ thống giúp cho việc tưới tiêu được thuận lợi hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây trồng.

Trên đây là những việc làm cụ thể, thiết thực nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức. Chị Ayun H’Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn nhận được sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ phụ nữ vùng biên, giúp họ có thêm nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, sát cánh cùng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc”.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.