Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ của doanh nghiệp

09:09, 14/05/2020

Những năm gần đây cho thấy số vụ cháy nổ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất luôn chiếm tỷ lệ cao và thiệt hại tài sản khá lớn. Thực tế này đặt ra vấn đề bức thiết về việc nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của doanh nghiệp.

Bài học từ một vụ cháy

Người dân trên địa bàn vẫn chưa quên vụ cháy đã xảy ra tại Công ty Cổ phần chế biến nông lâm Tây Nguyên ở Khu Công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) vào khoảng 20 giờ ngày 9-4-2020. Lực lượng PCCC tỉnh phải điều động 40 cán bộ, chiến sĩ cùng 6 xe chữa cháy tới hiện trường tiến hành dập lửa trong suốt 9 giờ liền. Sự vào cuộc kịp thời của lực lượng chức năng đã bảo vệ được nhiều máy móc tại khu vực sản xuất viên nén mùn cưa thành phẩm của Công ty này có giá trị tài sản lên đến hàng tỷ đồng. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do sự cố hệ thống thiết bị điện dẫn đến lửa đã bắt vào khu vực chứa dăm bào, mùn cưa và cháy rụi 400 m2 nhà xưởng, ước thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.

Một buổi diễn tập chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh) ở Công ty Cà phê Trung Nguyên.
Một buổi diễn tập chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh) ở Công ty Cà phê Trung Nguyên.

Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, Công ty Cổ phần chế biến nông lâm Tây Nguyên ban đầu thành lập chỉ đăng ký sản xuất kinh doanh phân bón, nhưng trong quá trình hoạt động đã chuyển đổi sang sản xuất viên nén mùn cưa (xuất khẩu sang các nước xứ lạnh làm nguyên liệu đốt lò sưởi). Do đó, hệ thống nhà xưởng, điện, nước, phòng cháy,… chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của lĩnh vực sản xuất mới. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành xử lý sai phạm của Công ty Cổ phần chế biến nông lâm Tây Nguyên.

Thống kê của ngành chức năng, hằng năm, số vụ cháy liên quan đến các ngành nghề này luôn chiếm tỷ lệ cao. Thượng tá Mai Văn Ngân, Phó trưởng Phòng PCCC (Công an tỉnh) cho biết, nguyên nhân gây cháy đa phần là do sự cố chập điện. Các cơ sở sản xuất kinh doanh khi lắp đặt hệ thống điện đã không tính toán phù hợp công suất tải điện của dây. Trong quá trình hoạt động lại không chú ý vệ sinh đường dây điện và thiết bị điện khiến lâu ngày bị phủ một lớp bụi gỗ, bụi vỏ nông sản, đến khi chỉ cần hơi quá tải, đường dây, thiết bị nóng lên, có tia lửa…, lớp bụi bám kia tạo thành chất xúc tác, dẫn lửa gây cháy nhanh chóng. Ngoài ra, còn là do ý thức chấp hành về quy định an toàn PCCC của chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh và người lao động còn hạn chế.

PCCC ngay tại cơ sở

Từ đầu năm 2020 đến nay (cũng là thời gian cao điểm của mùa khô) toàn tỉnh xảy ra 17 vụ cháy, trong đó có 9 vụ cháy ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh (giảm 29 vụ so với cùng kỳ năm trước).

Số vụ cháy giảm có nhiều nguyên nhân, ngoài do tác động của dịch bệnh Covid-19 các cơ sở sản xuất kinh doanh tạm ngừng hoạt động thời gian dài phải kể đến nỗ lực tổ chức tốt hoạt động chuyên ngành của cơ quan chức năng PCCC. Cụ thể, đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo an toàn PCCC cho 1.798 lượt cơ sở, trong đó có 298 cơ sở thuộc danh mục diện có nguy hiểm về cháy nổ; kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình thi công xây dựng 6 công trình; thẩm duyệt 31 hồ sơ thiết kế về PCCC; nghiệm thu 17 công trình PCCC… Qua kiểm tra, đã xử phạt 65 trường hợp (gồm: 28 tổ chức, 37 cá nhân) vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC, thu  nộp ngân sách nhà nước 171 triệu đồng. Sau xử phạt, các chủ doanh nghiệp đã nhận ra lỗi vi phạm về PCCC, tổ chức khắc phục ngay những thiếu sót mà cơ quan PCCC đã chỉ ra. Đặc biệt thấy được việc đảm bảo an toàn PCCC chính là bảo vệ tài sản cho chính họ.

Tập huấn phòng chống cháy nổ cho cán bộ, công nhân viên ở một doanh nghiệp.
Tập huấn phòng chống cháy nổ cho cán bộ, công nhân viên ở một doanh nghiệp.

Song song với kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng PCCC của tỉnh đã tổ chức 71 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) cho 20.924 lượt người dân; tổ chức 22 lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho 1.467 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng PCCC cơ sở; lập 63 phương án chữa cháy, CNCH đối với các cơ sở trên địa bàn tỉnh; phê duyệt 37 phương án chữa cháy cơ sở; tổ chức thực tập 3 phương án PCCC và CNCH…

Những nỗ lực trên của lực lượng chức năng, ý thức về công tác PCCC ở các doanh nghiệp được nâng lên. Đại diện quản lý Khu Công nghiệp Hòa Phú cho biết, hầu hết các công ty, cơ sở sản xuất trong Khu Công nghiệp đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị chữa cháy, báo cháy hiện đại, đúng chuẩn. Bên cạnh đó là thành lập các đội PCCC cơ sở, thường xuyên tổ chức đào tạo nghiệp vụ PCCC, CNCH và luôn trong tâm thế sẵn sàng khi có sự cố xảy ra. Bởi các doanh nghiệp đều hiểu rằng: khi xảy ra sự cố cháy nổ, nếu không được dập tắt ngay thì khó có thể xử lý và thiệt hại tài sản lớn là điều thấy trước. Do vậy, lực lượng phòng cháy tại chỗ đều nâng cao trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cao độ…

Mấy năm gần đây, cháy nổ trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn chiếm hơn 50% số vụ và 90% về thiệt hại tài sản. Trong số 700 cơ sở sản xuất có nguy cơ nguy hiểm về cháy nổ, tỷ lệ công ty sản xuất, chế biến gỗ, nông sản, các kho chứa nguyên liệu, kho chứa hàng hóa các trung tâm thương mại, chợ… khá lớn.

   Minh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.