Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức cho học sinh nghèo đến trường

09:47, 15/08/2020
Với mong muốn đồng hành cùng học sinh nghèo vượt khó trên hành trình đến trường, thời gian qua, Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.  
 
Được thành lập năm 2015 từ một nhóm bạn yêu lan tại TP. Buôn Ma Thuột, với tiêu chí “Kết nối đam mê - Thỏa tình bằng hữu” và tổ chức các hoạt động thiện nguyện, Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam ngày càng thu hút nhiều hội viên tham gia. Đến nay, Hội có hơn 91 nghìn hội viên đến từ các tỉnh thành trên các nước.
 
Cùng với những hoạt động tham quan, chia sẻ kinh nghiệm về trồng, chăm sóc lan, các thành viên đã cùng nhau gây quỹ bằng việc đóng góp tiền mặt, quà tặng trên tinh thần tự nguyện để tổ chức các chương trình thiện nguyện hướng đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tiếp sức các em đến trường.
 
Mới đây nhất, Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức Chương trình "Cùng em đến trường - Đồng hành cùng học sinh vượt khó" tại xã Ea Hồ, huyện Krông Năng. Chương trình đã trao 50 xe đạp, 20 suất học bổng (500 nghìn đồng/suất), 20 cặp sách, 70 bình đựng nước nóng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã với tổng kinh phí hơn 80 triệu đồng.
 
Đại diện Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam trao tiền hỗ trợ em Trần Nhật Tân.
Đại diện Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam trao tiền hỗ trợ em Trần Nhật Tân.
Là một trong 20 em học sinh được nhận học bổng tại chương trình, H’Mỹ Lan Mlô (lớp 6D, Trường THCS Y Jút) phấn khởi chia sẻ, năm học 2019 - 2020 em đạt được danh hiệu học sinh xuất sắc và niềm vui đó được nhân lên gấp bội khi em được Chương trình "Cùng em đến trường - Đồng hành cùng học sinh vượt khó" trao học bổng. Có được số tiền này, gia đình em sẽ bớt gánh nặng chi phí mua quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho em vào năm học mới. Hơn thế nữa, đó còn là niềm động viên lớn lao về tinh thần, giúp em có thêm niềm tin để vững bước trên chặng đường tương lai.
 
Đây là lần thứ tư Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó tại Đắk Lắk. Cụ thể, năm 2016 tặng ở huyện M’Đrắk, năm 2017 tặng ở huyện Krông Bông, năm 2019 tặng ở huyện Ea Kar, năm 2020 tặng ở huyện Krông Năng” - anh Phan Xuân Thủy, Chủ tịch Hội cho biết.

Tương tự, em H’Phi A Niê (học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Ea Hồ) được nhận một chiếc xe đạp mới từ Chương trình. Nhà H’Phi A Niê xa trường nên mỗi ngày em mất khoảng một giờ mới đến được lớp. Mùa mưa đường trơn, việc đi học của em lại khó khăn hơn. Chiếc xe đạp mới là món quà ý nghĩa, giúp em tiết kiệm được thời gian đến trường và có thêm động lực để vươn lên trong học tập.

Anh Phan Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam cho biết, mỗi Chương trình cùng em đến trường, Hội sẽ trích quỹ 35 triệu đồng để trao 10 suất học bổng, mua xe đạp. Những người yêu hoa lan tại các địa phương tổ chức chương trình sẽ hỗ trợ thêm để mua thêm xe đạp, quà tặng cho học sinh. Đến nay, Hội đã thực hiện hơn 100 lượt trao quà ở các tỉnh thành trên cả nước, với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng.
 
Không chỉ giúp đỡ các học sinh qua những món quà, suất học bổng mà Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam còn kịp thời hỗ trợ nhiều em có hoàn cảnh khó khăn không may gặp hoạn nạn. Đơn cử như trường hợp của em Trần Nhật Tân (học sinh lớp 6C, Trường THCS Y Jút) bị tai nạn gãy chân. Biết được hoàn cảnh gia đình em khó khăn, em lại bị gãy chân và phải phẫu thuật, không đủ chi phí điều trị nên Hội đã đứng ra kêu gọi các hội viên, nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ em với tổng số tiền 12,5 triệu đồng…  
 
Có thể nói, mỗi phần quà, suất học bổng mà Chương trình "Cùng em đến trường - Đồng hành cùng học sinh vượt khó" của Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam trao tặng đã mang đến niềm vui, hạnh phúc và niềm tin giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước vững bước trên con đường đến lớp, thắp sáng tương lai.
 
Thanh Hường
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.