Multimedia Đọc Báo in

Rò rỉ tài liệu liên quan đến danh tính của 22.000 phần tử IS

22:36, 12/03/2016
Cảnh sát liên bang Đức ngày 10-3 đánh giá các tài liệu chứa tên, địa chỉ, điện thoại của khoảng 22.000 phần tử thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, bị rò rỉ trước đó một ngày, nhiều khả năng là chính xác.
 
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Văn phòng Tội phạm liên bang Đức Markus Koths cho biết họ đã được thông báo về các tài liệu liên quan tới các phần tử gia nhập IS, trong đó có cả công dân Đức, và đang tiến hành xem xét các tài liệu như một phần của biện pháp an ninh và thực thi pháp luật. 
Phiến quân IS phô trương thanh thế ở Raqqa. Ảnh Reuters
Phiến quân IS phô trương thanh thế ở Raqqa. Ảnh Reuters
Trước đó, hãng tin Sky News của Anh cho biết đã nhận được các tài liệu từ một người tự xưng là Abu Hamed, cựu thành viên Lực lượng Quân đội Giải phóng Syria từng gia nhập IS. Người này lấy cắp thẻ nhớ từ người phụ trách an ninh nội bộ của IS và trao tay cho một nhà báo ở Thổ Nhĩ Kỳ, giải thích mình rời bỏ IS vì tổ chức này bên trong đã mục ruỗng, đồng thời tiết lộ IS đã rời bỏ căn cứ chính ở thành phố Raqqa của Syria và di chuyển vào sa mạc. 
 
Hàng chục nghìn tái liệu này chứa tên, địa chỉ, số điện thoại và thông tin liên lạc gia đình của các phần tử cực đoan gia nhập hàng ngũ IS. Những tài liệu này còn chứa các mẫu văn bản với 23 câu hỏi mà những đối tượng xin gia nhập IS phải trả lời đầy đủ trước khi được tuyển mộ, trong đó có câu hỏi về nhóm máu, họ của người mẹ trước khi kết hôn, mức độ hiểu biết về luật Hồi giáo... 
 
Trong những hồ sơ này còn có thông tin về các tay súng cực đoan đã được xác minh danh tính, cùng thông tin của các công dân đến từ 51 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, còn có một số hồ sơ chưa xác minh đầy đủ về các phần tử cực đoan tại Mỹ, Canada, khu vực Bắc Âu cũng như khu vực Bắc Phi và Trung Đông.
Theo cơ quan tình báo Đức, khoảng 600 công dân nước này đã tham gia vào các nhóm thánh chiến Hồi giáo tại Syria và Iraq. Những đối tượng này nếu trở về nước sẽ trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của Đức và các nước châu Âu.
 
Cùng ngày, Bộ Nội vụ Tunisia đã cho biết các lực lượng an ninh nước này đã triệt phá một mạng lưới chuyên tuyển mộ các chiến binh trẻ để tham chiến tại Syria. Mạng lưới này gồm bốn phần tử thánh chiến trong độ tuổi từ 25-36 hoạt động tại thành phố Kairouan, cách thủ đô Tunis 184 km. 
 
Nguồn tin an ninh cho biết qua theo dõi một thành viên trong mạng lưới này đã giúp phát hiện được phương thức hoạt động của toàn mạng lưới. Một cuộc điện thoại giữa thành viên trên và các thủ lĩnh của một mạng lưới khủng bố tại nước ngoài đã chứng minh sự can dự của thành viên này trong việc tuyển mộ các chiến binh Tunisia trẻ ra nước ngoài. Ba thành viên khác trong mạng lưới cũng đã thừa nhận là thành viên của một tổ chức khủng bố. Những đối tượng trên đã được giao nộp cho Cơ quan chống khủng bố quốc gia tại Tunis và sẽ sớm bị đưa ra xét xử.
 
Kể từ năm 2011, Tunisia phải đối mặt với nhiều vụ tấn công khủng bố, phần lớn do nhánh khủng bố al-Qeada tại Bắc Phi (AQIM) tiến hành nhằm vào lực lượng an ninh, khiến hàng chục binh sĩ và cảnh sát nước này thiệt mạng. 
Một tay súng IS. (Nguồn: theweek.com)
Một tay súng IS. (Nguồn: theweek.com)
Trong một diễn biến khác, trong ngày 10-3, ít nhất 20 phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị tiêu diệt trong một đợt không kích của Nga và Syria tại thành phố Palmyra. Các máy bay chiến đấu của Nga và Syria đã cùng phối hợp, tiến hành ít nhất 35 lượt không kích nhắm vào các mục tiêu của nhóm phiến quân IS ở thành phố Palmyra. Số thương vong ước tính có thể lên đến 70 người.
 
Cùng ngày, quân đội Syria cũng đã triển khai cuộc tấn công trên bộ, tiêu diệt hơn 70 phiến quân thuộc Mặt trận Al-Nusra tại tỉnh Hama, miền trung nước này. Theo đó, quân đội Syria đã bất ngờ phản công khi nhóm phiến quân Hồi giáo này, được trang bị súng máy và xe bọc thép, đang tìm cách đánh chiếm một thị trấn ở phía đông bắc tỉnh Hama.
 
Các đợt tấn công của Nga và quân đội Syria xảy ra trong thời điểm Lệnh ngừng bắn tại Syria, được Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc thông qua, có hiệu lực từ ngày 27-2 và kéo dài cho đến nay. Tuy nhiên, hành động của Nga và chính quyền Syria vẫn được coi là hợp pháp khi Lệnh ngừng bắn không áp dụng đối với tổ chức khủng bố IS và mặt trận Al-Nusra, chi nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại Syria.
 
Hà Như (Theo VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc