Multimedia Đọc Báo in

Tiến bộ mới trong điều trị biến chứng cho bệnh nhân tăng huyết áp

09:34, 07/08/2013

Tăng huyết áp là bệnh khá phổ biến, theo Tổ chức Y tế thế giới hiện có tới 20-25% người ở các nước phát triển bị tăng huyết áp và ở các nước đang phát triển là 11- 15%. Bệnh thường để lại hậu quả nghiêm trọng là các biến chứng như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận… Mặc dù hiện nay các phương pháp mới trong điều trị biến chứng bệnh tăng huyết áp đã được ứng dụng và mang lại hiệu quả cao, giúp giảm tỷ lệ tử vong do biến chứng tăng huyết áp nhưng việc kiểm soát tốt, tuân thủ chế độ dùng thuốc để phòng ngừa các biến chứng vẫn là lời khuyên hàng đầu của các bác sĩ chuyên khoa.

Nhờ việc áp dụng tiến bộ của y học trong điều trị biến chứng bệnh tăng huyết áp nên tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại khoa Hồi sức tích cực  và Chống độc hiện chỉ còn 20 đến 25%, giảm hơn 10%  so với những năm gần đây. Ảnh: Đình Thi
Nhờ việc áp dụng tiến bộ của y học trong điều trị biến chứng bệnh tăng huyết áp nên tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc hiện chỉ còn 20 đến 25%, giảm hơn 10% so với những năm gần đây. Ảnh: Đình Thi

Theo thống kê tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 6 tháng đầu năm 2013 Khoa tiếp nhận điều trị hơn 1.200 lượt bệnh nhân, trong đó gần 20% trường hợp bị đột quỵ và khoảng 6% bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân chủ yếu là do biến chứng của bệnh tăng huyết áp gây ra.

Nhờ sự phát triển của y học, đến nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã áp dụng một số kỹ thuật mới, mang lại kết quả cao trong điều trị biến chứng cho người bệnh tăng huyết áp như: kỹ thuật áp lực dương đường thở xâm lấn trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn, hút đờm kín, tiêu sợi huyết trong nhồi máu cơ tim, tái thông mạch vành; đo huyết áp đường mạch không xâm lấn; lọc máu cấp cứu trong ngộ độc thực phẩm, suy thận cấp...

   Đặc biệt, đề tài nghiên cứu khoa học về “Điều trị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên bằng thuốc streptokinase tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Dak Lak, năm 2011-2012” được ứng dụng vào thực tiễn cũng đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh nhân điều trị nhồi máu cơ tim. Ước tính từ năm 2011 đến tháng 6-2013 có hơn 180 bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến nhập viện, trong đó, có trên 80 trường hợp được đưa đến kịp thời (trong vòng 3 giờ kể từ khi khởi phát đau ngực) và được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết, do đó tỷ lệ bệnh nhân ổn định và ra viện chiếm 88%.

Bác sĩ chuyên khoa II Dương Chí Úy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc – Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Với các kỹ thuật hiện đại không chỉ giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh mà còn rút ngắn thời gian điều trị, giảm bớt chi phí cho Nhà nước và người nhà bệnh nhân bị biến chứng tăng huyết áp. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là ngay khi bệnh khởi phát, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm thì hiệu quả điều trị sẽ càng cao…”.

Trường hợp của bà Chu Thị Ấu (69 tuổi, ở thôn 2, xã Ea Sô, huyện Ea Kar) nhập viện trong tình trạng khó thở, đột quỵ xuất huyết não. Bản thân bà có tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp nhưng điều trị không thường xuyên. Theo các y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, trước đó 12 ngày, bệnh nhân Chu Thị Ấu phát bệnh và nhập viện với tình trạng hôn mê, xuất huyết não, trong khi đang điều trị tại khoa thì gia đình xin về. Ngay sau đó cùng ngày bệnh nhân lại phải nhập viện do bệnh diễn tiến nặng. Nhờ áp dụng phương pháp điều trị đặt nội khí quản bằng đường miệng, thở ôxy, hút đờm kín mà bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Còn bệnh nhân Nguyễn Lem (73 tuổi, ở thôn 8, thị Trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) cũng có tiền sử huyết áp cao nhưng không tuân thủ dùng thuốc điều trị nên đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau vùng ngực trái, cơn đau kéo dài liên tục và đã được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim. Song may mắn là đến Bệnh viện kịp thời nên việc áp dụng liệu pháp tiêu sợi huyết đã mang lại kết quả tốt cho người bệnh. Bệnh nhân Nguyễn Lem kể: “Tôi bị bệnh tăng huyết áp cách đây 4 năm và đã từng đi khám, dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, nhưng gần đây thấy bệnh ổn định nên tôi không uống thuốc nữa. Một hôm đang làm việc bình thường thì tôi cảm thấy đau tức ngực dữ dội, cơn đau kéo dài, khó thở nên con tôi đã đưa đến Bệnh viện cấp cứu. May mà được đưa đến kịp thời nếu không có lẽ tôi đã không qua khỏi...”.

Nhờ việc áp dụng tiến bộ của y học trong điều trị biến chứng bệnh tăng huyết áp nên tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc hiện chỉ còn 20-25%, giảm hơn 10% so với những năm gần đây. Tuy nhiên, việc tuân thủ uống thuốc điều trị suốt đời và điều chỉnh lối sống hợp lý để phòng ngừa các biến chứng của bệnh tăng huyết áp vẫn là biện pháp tốt nhất đối với sức khỏe của người bệnh.

Cũng theo bác sĩ chuyên khoa II Dương Chí Úy, đối với những người nguy cơ cao, gia đình có tiền sử tim mạch, người có cơ địa béo phì, bị bệnh tiểu đường… cần phải kiểm tra định kỳ huyết áp để phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân tuân thủ uống thuốc điều trị thì sẽ giảm được 50% biến chứng như: đột quỵ, tai biến mạch máu não và giảm từ 15-20% biến cố nhồi máu cơ tim…

Có thể nói hiệu quả của các kỹ thuật mới đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh cần nghiêm túc tuân thủ chế độ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nhất là điều chỉnh lối sống lành mạnh như: chọn những môn thể dục vừa sức để tập luyện mỗi ngày, không uống bia, rượu, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý như giảm thức ăn nhiều dầu, mỡ, không ăn thức ăn là nội tạng động vật, da các loại, bánh ngọt…; nên ăn nhiều trái cây, rau quả… để phòng ngừa các biến chứng tăng huyết áp.

Hương Xuân


Ý kiến bạn đọc