Multimedia Đọc Báo in

Ăn uống và sức khỏe

10:33, 18/01/2015

Ăn uống là phản xạ bẩm sinh, là nhu cầu tối thiểu nhưng qua đó còn thể hiện cả nét văn hóa, giáo dục của mỗi người. Dân gian ta có câu: “Học ăn học nói, học gói học mở”; ăn cũng phải học, bởi có ăn no thì mới nói hay và làm tốt. Đối với các nhà chuyên môn về y học thì qua ăn uống còn đánh giá được tình trạng sức khỏe.

Trước khi ăn nên để ý và nhìn mọi người xung quanh cùng ăn, không phải ngồi vào bàn ăn là “cắm đầu cắm cổ” không biết đến ai, thấy đồ ăn ngon, hợp khẩu vị là ăn một mạch không biết đến người bên cạnh. Ăn phải từ tốn, biết kính trên, nhường dưới, như vậy không những làm đẹp hình ảnh của mình trong mắt người khác mà còn giúp cho chúng ta cảm nhận được vị ngon của thức ăn, nhanh cảm thấy no hơn và giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Khi nhai một cách từ tốn, não của chúng ta sẽ có cơ hội truyền tín hiệu no đến cơ thể. Ăn nhanh, ăn nhồm nhoàm không chỉ làm xấu đi hình ảnh của chúng ta trong mắt người khác mà còn khiến chúng ta tăng cân. Ăn quá nhanh buộc dạ dày phải làm việc nhiều hơn, dễ dẫn tới đau dạ dày.

Bầu không khí trong bữa ăn ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người. Nếu ăn uống trong tình trạng căng thẳng, chán nản sẽ làm cho chúng ta cảm thấy ăn nhanh no hơn, hoặc ăn rất nhiều một cách vô thức, hoặc không ăn được miếng nào. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, mọi người luôn bận rộn với công việc, thời gian dành cho bữa ăn chung của mỗi gia đình giảm dần, nhất là ở thành thị. Một số gia đình để có bữa ăn chung là rất khó khăn và thường chỉ gặp mặt nhau vào bữa cơm buổi tối, do vậy mọi vấn đề của gia đình phải được giải quyết ngay khi vừa vào bữa ăn. Có nhiều ông bố bà mẹ, vừa nhìn thấy mặt con cái đã trách móc, mắng mỏ vì kết quả học tập, hoặc giao việc gì đó mà trẻ chưa hoàn thành... Hậu quả là không chỉ mình trẻ ăn không ngon miệng mà còn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, nhiều trẻ nghĩ đến bữa ăn chung là sợ, tạo ra khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình, thậm chí những xung đột có thể xuất hiện làm rạn nứt mối quan hệ gia đình. Mặt khác, theo các nhà khoa học, bữa ăn với bầu không khí căng thẳng có thể làm cho dịch vị dạ dày tăng, giảm bất thường về số lượng và thành phần, làm cho quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng theo. Nếu quá trình này diễn ra thường xuyên hơn 1 lần/tuần, sẽ có nguy cơ loét dạ dày và các bệnh tiêu hóa khác.

Hiện nay, xuất hiện một số bệnh mà người ta gọi là “bệnh của nhà giàu” như: béo phì, gút… do dư thừa chất dinh dưỡng. Do đó, việc sử dụng cân đối và hợp lý về dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn là điều đang được rất nhiều người quan tâm. Việc ăn quá nhiều hay quá kiêng khem đều không tốt, vì ăn quá nhiều sẽ làm cho cơ thể dư thừa một số chất dinh dưỡng nào đó gây ra một số bệnh nguy hiểm tới tính mạng như bệnh cao huyết áp, bệnh đái tháo đường... Việc kiêng khem quá mức một số chất dinh dưỡng thì lại làm cho cơ thể bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, chậm phát triển trí tuệ ở trẻ nhỏ và gây ra một số bệnh ở người trưởng thành như lao lực, suy nhược cơ thể… Do đó cần phải ăn uống đa dạng, có cơ cấu bữa ăn hợp lý. Chỉ nên kiêng khem một số chất trong giai đoạn chữa bệnh và được sự chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, nên uống nước thường xuyên để bù lại lượng nước đã mất trong quá trình hoạt động hằng ngày. Nếu không thường xuyên cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể, sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước và mất nước, gây ảnh hưởng không tốt cho da và tóc; thậm chí nếu mất nhiều nước còn ảnh hưởng tới sự trao đổi chất. Đừng chỉ uống nước khi cảm thấy khát vì lúc đó cơ thể đã thiếu nước.

Tóm lại, ăn uống không chỉ là nhu cầu mà còn thể hiện cả nét văn hóa, giáo dục của con người. Vì vậy mỗi người cần tạo cho mình một thói quen ăn uống lịch sự, khoa học vừa giúp cơ thể khỏe mạnh vừa xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt những người xung quanh.

 Hồng Vân - Trần Lan


Ý kiến bạn đọc