Multimedia Đọc Báo in

Xuất hiện bệnh nhân nghi nhiễm viêm não Nhật Bản B

05:51, 30/05/2015

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Dak Lak vừa phát hiện một trường hợp nghi mắc viêm não Nhật Bản B. Bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm viêm não Nhật Bản B và đang được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đêm ngày 3-5, bệnh nhân H'Jen Bkrông (ở buôn Phok, xã Ea Rbin, huyện Lak) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng sốt cao, đau đầu. Sau 3 ngày nằm viện, bệnh nhân có biểu hiện co giật, hôn mê, gồng cứng người từng cơn, cổ gượng, đại tiểu tiện không tự chủ, tiếp tục sốt cao... Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm não – màng não, nghi mắc viêm não Nhật Bản B. Ngay sau đó, bệnh viện đã báo cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy mẫu huyết thanh của bệnh nhân gửi đi xét nghiệm. Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Ngay sau khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc viêm não Nhật Bản B, Trung tâm đã tiến hành lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tiến hành điều tra tình hình dịch tễ tại địa phương nơi bệnh nhân sinh sống; tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại địa bàn này; đồng thời hướng dẫn y tế địa phương rà soát và triển khai tiêm phòng (cả tiêm mới và tiêm bổ sung) cho toàn bộ trẻ em dưới 15 tuổi ở khu vực này”.

Theo Bộ Y tế, bệnh viêm não Nhật Bản B (Japanese encephalitis-JE) là một bệnh truyền nhiễm gây tổn thương thần kinh trung ương do vi rút (Japanese encephalitis virus-JEV). Bệnh lây truyền khi người bị muỗi (Culex Tritaeniorhynchus, Culex Gelidus) mang JEV đốt. Vật chủ trung gian truyền bệnh là gia súc, gia cầm và chim. Viêm não Nhật Bản B thường xuất hiện vào đầu mùa hè, từ tháng 3 đến tháng 7, 8. Đối tượng mắc viêm não Nhật Bản là trẻ em dưới 15 tuổi, chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ 1-9 (chiếm hơn 55%). Đây cũng là bệnh có tỷ lệ tử vong tương đối cao từ 15 – 20%. Phần lớn trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản không có triệu chứng báo trước. Một số trẻ có thể có triệu chứng ban đầu giống cảm cúm thông thường như sốt, đau đầu. Sau đó xuất hiện sốt cao đột ngột và đi vào trạng thái lơ mơ rất nhanh, trong vòng 1, 2 ngày. Khi đã lơ mơ hoặc có dấu hiệu nôn vọt, co giật là tình trạng bệnh đã nghiêm trọng vì nhiễm trùng não – màng não gây ra phù não. Triệu chứng điển hình khi đã phát bệnh là sốt, cứng cổ, nôn, co giật, hôn mê và liệt tứ chi. Nhiều trường hợp sau khi khỏi bệnh cũng để lại nhiều di chứng, nhất là những di chứng về tâm thần, chậm phát triển trí tuệ, động kinh…

Trước diễn biến của bệnh viêm não Nhật Bản B đang có xu hướng tăng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và nhất là khi ở tỉnh ta đã phát hiện trường hợp nghi mắc bệnh, bác sĩ Phạm Văn Lào khuyến cáo, viêm não Nhật Bản B là bệnh lây nhiễm và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy, tiêm phòng được xem là giải pháp hữu hiệu nhất. Để phòng tránh bệnh này điều quan trọng nhất là phải tiến hành tiêm vắc xin cho trẻ. Những gia đình nào có trẻ chưa được tiêm phòng viêm não Nhật Bản B cần đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng để tiêm đúng độ tuổi, đúng liều lượng, đúng thời gian. Vắc xin tiêm phòng viêm não Nhật Bản B là một trong số những loại vắc xin được tiêm chủng miễn phí nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế. Vắc xin này được tiêm 3 mũi cơ bản, mũi 1 tiêm khi trẻ đủ 1 tuổi, mũi 2 cách mũi 1 từ 1 - 2 tuần, mũi 3 tiêm sau mũi 2 là một năm và sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc 1 lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Kết hợp với đó là người dân phải thực hiện ngủ màn để tránh muỗi đốt và thực hiện tốt công tác vệ sinh chung, bởi đây là chìa khóa quan trọng không chỉ để phòng bệnh viêm não Nhật Bản B mà còn giúp phòng ngừa nhiều loại bệnh lây nhiễm khác.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Đại lễ Phật đản
Đại lễ Phật Đản năm 2024 - Phật lịch 2568 tại tỉnh Đắk Lắk diễn ra trong không khí trang nghiêm. Tất cả các cơ sở thờ tự Phật giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được trang hoàng rực rỡ cờ hoa, phẩm lễ..., với mong muốn đón một đại lễ thật ý nghĩa, trang trọng.