Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin tích cực phòng chống dịch bệnh tay chân miệng

07:35, 31/10/2018

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tay chân miệng ở nhiều địa phương, huyện Cư Kuin đã tích cực triển khai các giải pháp chủ động ứng phó, phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 62 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm 10 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Số trường hợp mắc bệnh được ghi nhận tại 8/8 xã, gồm: xã Ea Bhốk (16 ca), xã Ea Tiêu (14 ca), Dray Bhăng (10 ca), Ea Ning (9 ca), Ea Hu (5 ca), Ea Ktur (4 ca), Hòa Hiệp (3 ca) và Cư Êwi (1 ca). Đối tượng mắc bệnh phần lớn là trẻ em từ 7 tháng đến 2 tuổi.

Xác định được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện triển khai các biện pháp phòng chống bệnh và xử lý các ổ dịch trên địa bàn; tổ chức tập huấn kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn. Bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, để chủ động phòng chống dịch bệnh, huyện đã cấp Clorin B cho các trường học, điểm dân cư có bệnh nhân mắc bệnh để khử khuẩn. Cùng với đó, ngành Y tế cũng phát 2.000 tờ rơi về phương pháp phòng chống dịch bệnh cho các hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, giáo viên các trường mầm non, nhà trẻ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua loa phát thanh huyện, xã và qua các buổi họp thôn, buôn nhằm nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc bảo đảm sức khỏe cho trẻ.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng cho giáo viên trường mầm non.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng cho giáo viên trường mầm non.
 
"Tất cả các trường hợp phát hiện mắc bệnh đều được cách ly, theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện theo phác đồ của Bộ Y tế, đồng thời nhanh chóng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm của bệnh nhân và người dân trong khu dân cư để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng".
 
Bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin

Là địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao, thời gian qua, Trạm Y tế xã Ea Bhốk đã tích cực cùng với đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn trực tiếp đến từng hộ gia đình phát tờ rơi, hướng dẫn người dân các biện pháp vệ sinh môi trường và chăm sóc trẻ. Đặc biệt, việc khoanh vùng, xử lý ổ dịch cũng được thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Theo ông Y Sui Byă, Trưởng Trạm Y tế xã Ea Bhốk, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên ý thức phòng bệnh của người dân đã được nâng cao đáng kể. Chị Phan Thị Toàn ở buôn Kô Êmông A, xã Ea Bhốk chia sẻ: Nhờ được cộng tác viên y tế thôn và chính quyền địa phương tuyên truyền, gia đình chị đã nhận biết được các dấu hiệu của dịch bệnh. Để chủ động phòng bệnh cho con, chị thực hiện ăn chín uống sôi, không cho trẻ ăn bốc, ngậm mút đồ chơi, vật dụng ăn uống đều được rửa sạch trước khi sử dụng...

Chung tay với ngành Y tế, các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn huyện cũng tích cực phòng chống dịch bệnh cho trẻ. Cô Nguyễn Thị Ly Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Vành Khuyên (thôn Thành Công, xã Hòa Hiệp) cho biết, hằng tuần nhà trường đều tổ chức vệ sinh lớp học, đồ chơi, dụng cụ học tập bằng nước sát khuẩn; giáo dục cho các em ý thức vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tư vấn phụ huynh chăm sóc trẻ đúng cách và bổ sung dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày để tăng sức đề kháng cho trẻ tại nhà. Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa nên nhiều năm qua, trường chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh tay chân miệng.

Giáo viên Trường Mầm non Vành Khuyên thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho học sinh bằng nước sát khuẩn.
Giáo viên Trường Mầm non Vành Khuyên thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho học sinh bằng nước sát khuẩn.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng khuyến cáo: Mặc dù huyện Cư Kuin không phải là địa bàn nóng về dịch tay chân miệng, song đây là giai đoạn cao điểm thứ 2 trong năm (từ tháng 9 đến tháng 11) của dịch bệnh, do đó người dân không nên chủ quan, chú ý phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi phát hiện các triệu chứng như: sốt, đau họng, lở miệng, biếng ăn, có bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, vùng gối… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.