Multimedia Đọc Báo in

Không chủ quan với chứng hạ canxi máu

14:36, 19/02/2021

Hạ canxi máu là tình trạng canxi trong máu thấp hơn mức trung bình. Biểu hiện rõ ràng nhất của chứng hạ canxi máu là co rút, đau cơ, rối loạn nhịp tim, tê bàn tay, chân… nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Canxi là khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động co dãn, sự đông máu, dẫn truyền thần kinh và giải phóng hormone của cơ thể, giúp cơ thể hình thành hệ xương và răng vững chắc. Canxi chủ yếu nằm ở xương và răng chiếm khoảng 98%, 2% còn lại là canxi ion nằm trong máu hay còn gọi là canxi máu, thực hiện các chức năng thần kinh cơ, đông máu. Mặc dù canxi trong máu chỉ chiếm rất ít, nhưng nếu canxi máu bị hạ nhiều sẽ gây ra các triệu chứng như: tê ở tay chân, lưỡi, quanh miệng, cảm giác hồi hộp, lo âu, mệt mỏi, chuột rút… 

Chị Nguyễn Thị Hương (trú phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) thường xuyên có các triệu chứng khó thở, tức ngực, tê ở tay chân rồi bị chuột rút, sau đó thì ngất xỉu, được người thân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán chị bị hạ canxi máu. Trường hợp khác là chị Phan Thị Chung (trú phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cũng có các triệu chứng bị hạ canxi máu song do chủ quan chị không đi khám và cho rằng ăn uống điều độ, bổ sung canxi bằng thực phẩm sẽ khỏi bệnh. Trong một lần đi khám bệnh đau lưng, chị Chung được các bác sĩ chẩn đoán bị loãng xương và gai cột sống mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hạ canxi máu lâu ngày không điều trị.

Bổ sung canxi bằng đường uống để phòng và làm giảm nguy cơ biến chứng do hạ canxi máu.
Bổ sung canxi bằng đường uống để phòng và làm giảm nguy cơ biến chứng do hạ canxi máu.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh (Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng hạ canxi máu, trong đó chủ yếu là do thiếu magie, suy thận, viêm tụy, thiếu vitamin D, rối loạn nội tiết. Ngoài ra, những người nghiện rượu, chế độ ăn uống không khoa học, người suy dinh dưỡng… đều có nguy cơ mắc chứng hạ canxi máu. Để điều trị chứng hạ canxi máu, các bác sĩ sẽ dựa vào thể trạng của từng người bệnh đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Trường hợp bệnh nặng sẽ được chỉ định điều trị bằng truyền canxi tĩnh mạch để khôi phục, bổ sung lượng canxi thiếu hụt trong cơ thể; trường hợp nhẹ cần bổ sung canxi qua đường uống hoặc tiêm. Ngoài ra, với các trường hợp hạ canxi máu thứ phát do các bệnh lý nền thì ngoài việc điều trị hạ canxi cần song song điều trị các bệnh lý nền.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi có các biểu hiện hạ canxi máu, người bệnh phải đi thăm khám, tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ để điều trị dứt điểm; cần bổ sung canxi thông qua đường uống, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên tắm nắng vào buổi sáng giúp cơ thể bổ sung vitamin D, hạn chế đồ uống chứa chất kích thích như bia, rượu, cà phê… vì sẽ làm giảm khả năng hấp thụ canxi trong cơ thể. Khi gặp trường hợp bị hạ canxi máu, cần bình tĩnh và giữ cho bệnh nhân tỉnh táo, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị kịp thời..

Phượng Vũ

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.