Multimedia Đọc Báo in

Vẻ đẹp của tứ thơ trong “Phác thảo đàn bà”

20:13, 26/07/2013

Phác thảo đàn bà

Là nước

Đàn bà đẩy con thuyền công danh đàn ông

sang bờ bên kia khát vọng.

Là nước

Đàn bà nhấn con thuyền công danh đàn ông

chìm đáy đại dương tuyệt vọng.

Là nước

Đàn bà tự vỗ sóng

cho mình và cho nhau.

Là nước

Đàn bà mạch nguồn vô tận

Tình thương con tuôn chảy –

vĩnh hằng.

Vân Anh

Trên tờ nguyệt san “Nhân Dân hằng tháng” số tháng 5-2013 đăng bài thơ “Phác thảo đàn bà” của nhà thơ nữ Vân Anh (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sống tại Nghệ An).

Bài thơ ngắn, dễ đọc, dễ nhớ, khắc họa những nét cơ bản (phác thảo) về sức mạnh và thiên chức của người đàn bà.

Trong tiếng Việt, nghĩa đen của từ “đàn bà” cùng nghĩa với từ “phụ nữ”. Hai từ đều được “Từ điển Tiếng Việt” giải nghĩa: “người lớn thuộc nữ giới”. Tuy nhiên, về mặt biểu cảm, từ “đàn bà” gợi cho người nghe, người đọc không chỉ là hình ảnh “người lớn thuộc nữ giới” mà còn cảm nhận được cả phần xác lẫn phần hồn của một nửa nhân loại với nhiều cung, bậc khác nhau trong sự giao lưu, chung sống giữa “phái mạnh” và “phái yếu”…

Bài thơ gây chú ý cho người đọc từ sự so sánh: đàn bà “là nước”.

“Đàn bà” và “nước” có những thuộc tính gì giống nhau mà khi đem ra so sánh không sợ bị khập khiễng?

Nước có sức mạnh ghê gớm (tuy là “sức mạnh mềm”): “nước chảy đá mòn”, “nâng thuyền” và “lật thuyền”…

Người đàn bà trong thơ Vân Anh (chưa hẳn là vợ) cũng có khả năng “đẩy con thuyền công danh” và “nhấn con thuyền công danh” của đàn ông (chưa hẳn là chồng) như hàng chục, hàng trăm người đàn ông từ bậc quân vương đến thảo dân chân đất… Đấy là sự “dữ dội” của nước như “Sóng” trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh. Vậy còn sự “dịu êm” của nước?

“Là nước

Đàn bà tự vỗ sóng

cho mình và cho nhau

Là nước

Đàn bà mạch nguồn vô tận

tình thương con tuôn chảy – vĩnh hằng”

“Đàn bà tự vỗ sóng/cho mình và cho nhau”. Tình thương mình và người mình yêu, sự sẻ chia nỗi buồn và niềm vui cho người cùng giới và khác giới là phẩm hạnh tự nhiên của người phụ nữ. Trong cuộc sống, dù có nỗi đau nào đó, người đàn bà cũng “tự vỗ sóng” cho mình và cho nhau để vượt qua thử thách, vươn tới những điều tốt đẹp.

Từ sự chiêm nghiệm có được từ cuộc sống, người đàn bà muốn nhắc nhở người đàn ông hãy hiểu rõ và nâng niu trân trọng phẩm giá “một nửa” của mình…

“Là nước

Đàn bà mạch nguồn vô tận

tình thương con tuôn chảy – vĩnh hằng”.

Nét “phác thảo” thứ ba và cũng là cuối cùng về người đàn bà trong bài thơ của Vân Anh là phẩm chất cao quý gắn liền với thiên chức của người đàn bà: “Tình thương con tuôn chảy – vĩnh hằng”. “Đàn bà mạch nguồn vô tận”, tứ thơ gần với ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Công cha to lớn như núi nhưng bậc làm con vẫn có thể đo đếm, định lượng được nhưng nghĩa mẹ “như nước trong nguồn”, “mạch nguồn vô tận” thì không gì cân đong, đo đếm nổi!

Bài thơ “Phác thảo đàn bà” của Vân Anh góp thêm một tứ thơ mới về tình yêu và người phụ nữ.

Nếu ở bài “Sóng” của Xuân Quỳnh, bạn đọc phát hiện về hình tượng “sóng” với nhiều trạng thái bí ẩn mà mãnh liệt của tình yêu vợ chồng thì với bài “Phác thảo đàn bà”, Vân Anh đã đưa đến bạn đọc những khắc họa cơ bản về người đàn bà gắn với hình tượng “nước”.

Hình tượng thơ (nước) và chủ thể trữ tình (đàn bà) trong bài thơ “Phác thảo đàn bà” của Vân Anh có tính khái quát, triết luận về tình yêu, tình người và sức mạnh, thiên chức của người phụ nữ.

So sánh đàn bà với “nước”, Vân Anh đã góp thêm một cái nhìn về người phụ nữ trong thơ.

Nước, một thể lỏng có khả năng thích ứng với mọi môi trường chứa nó. Nước, có mạch nguồn vô tận và sức mạnh tự nhiên to lớn. Nước, nguồn sống cho con người và làm mát những cánh đồng cho mùa màng bội thu, cây trái đơm hoa, kết quả…

“Đàn bà” là “nước”… điều nhắc nhở đàn ông của người phụ nữ…

Trương Tử Kỳ


Ý kiến bạn đọc