Multimedia Đọc Báo in

Những phụ nữ nặng lòng với văn hóa truyền thống

17:00, 25/07/2017

Say mê dệt thổ cẩm, các nhạc cụ và các điệu múa truyền thống, các bà, các chị đã tìm mọi cách lưu giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Họ là những “bông hoa quý” của buôn làng…

Lưu giữ hồn thiêng buôn làng  trong khung dệt

Bà H’Bất Pangting (65 tuổi, buôn Bai Yang, xã Krông Nô, huyện Lắk) đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống suốt vài chục năm nay. Khung dệt và bàn tay khéo léo của bà đã tạo nên những tấm vải độc đáo mang đậm bản sắc của dân tộc M’nông Gar.

H’Bất thích dệt thổ cẩm từ nhỏ. Mỗi khi thấy các bà, các cô trong buôn ngồi dệt vải, H’Bất yêu thích và tự học theo. Mỗi tấm vải dệt ra, bà gửi gắm vào đó biết bao tình cảm với người thân, với buôn làng. Và bà đã gắn bó với công việc dệt thổ cẩm đến tận bây giờ.

Bà H’Bất thường ngồi dệt vải ở cái chòi phía sau rẫy. Bên cạnh khung dệt là cái võng nhỏ để đứa cháu nằm ngủ, bà vừa đưa võng hát ru vừa dệt vải. Đặt bàn tay nhăn nheo lên chiếc khung dệt, bà chia sẻ: “Tôi dệt những tấm vải thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, dệt cho mình, cho chị và cho những người họ hàng thân quen của tôi. Hồi mới biết dệt thì chỉ dệt cho một mình mình, nhưng khi quen tay rồi thì dệt cho mọi người, thấy vui trong lòng”. Những cái cây mdrăm, r’nock (cây siết chỉ) hay m’kieh (bản gỗ to để giữ vải cố định) trên khung dệt của bà đều nhẵn bóng như minh chứng cho thời gian gắn bó lâu dài giữa khung dệt với người dệt vải. Từ khung dệt ấy và đôi bàn tay khéo léo của bà, những tấm vải với các hoa văn đặc sắc và màu sắc độc đáo ra đời. Nghe tiếng bà H’Bất dệt vải đẹp, nhiều người tìm đều đến nhà đặt dệt những tấm vải thổ cẩm, làm nên bộ su – ao (váy áo) để mặc vào những dịp lễ, hội quan trọng của gia đình và buôn làng.

Amí Doan biểu diễn đing năm.
Amí Doan biểu diễn Đing năm.

Theo bà H’Bất, để có một tấm vải hoàn thiện, bền đẹp và chắc, người dệt vải phải rất tinh tế và cẩn thận. Ngày trước, mọi công đoạn làm nên nguyên liệu dệt vải đều rất thủ công. Bà H’Bất cùng chị gái phải kéo sợi bông ra chỉ; lên rừng kiếm các loại lá cây, vỏ cây rừng về nấu lên để tạo màu. Bà H’Bất cho biết: “Đối với người M’Nông thì màu xanh là màu nổi bật trên tấm vải, rất khó tạo màu và rất hiếm. Vì thế, trang phục của ai mà có nhiều phần màu xanh thì rất quý và giá trị. Bây giờ già rồi, tôi không còn sức để đeo gùi lên rừng tìm lá màu nữa, hơn nữa mọi nguyên liệu đều có bán sẵn, tiện dụng nên không còn vất vả như ngày xưa”. Họa tiết trên vải của người M’Nông chủ yếu là cheh câr via (hình cái xà gạc, loại nông cụ quen thuộc trong lao động của người M’Nông từ ngày xưa, được trang trí dọc theo tấm vải); người thợ dệt còn khéo léo luồn chỉ và dệt nên những hoạ tiết ngang (căng căng) và họa tiết xen kẽ tạo viền ngoài (tiêk r’nôk) hài hoà và độc đáo. Mất công như vậy nên mỗi tấm vải dài 2 m, rộng 1,5 m phải mất 2 tuần mới hoàn thành (nếu vừa dệt vải vừa làm việc nương rẫy nữa thì phải mất hơn 1 tháng).

Mỗi khi được đặt hàng dệt vải, bà H’Bất rất vui bởi mọi người vẫn còn nhớ nghề truyền thống, trang phục truyền thống của dân tộc mình. Bà còn vui hơn nữa vì cô cháu gái H’Gơn rất yêu thích nghề dệt và muốn nối tiếp nghề của dì. Nhưng nỗi lo mai một nghề dệt truyền thống của dân tộc mình vẫn đau đáu trong lòng người phụ nữ đã gắn bó cả đời mình với khung dệt. Bà tâm sự: “Ngoài con bé Gơn ra, trong buôn chỉ có một, hai người biết dệt vải nữa thôi. Tôi chỉ sợ sau này không còn những cái su bhăl cheh câr via màu xanh lá rừng, không còn tiêk rnôk màu đỏ của hoa gạo... Còn mấy ai nhớ đến truyền thống nữa. Vì thế, tôi mang hết những kinh nghiệm của mình truyền lại cho H’Gơn, hy vọng rằng sau này các con cháu trong buôn làng của mình vẫn biết dệt vải, giữ được cái nghề truyền thống của ông bà”.

“Báu vật” của buôn làng

Người dân buôn Phơng, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) thường nói về bà H’ru Kđoh (thường gọi Amí Doan) một cách trân trọng là "báu vật của buôn làng" bởi bà là một trong số ít các nghệ nhân biết kể khan, hát Ay ray ở địa phương.

Cha của Amí Doan là Y Ơm Niê, một trong những nghệ nhân kể khan, hát Ayray và chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người Êđê. Vì vậy, từ lúc còn nhỏ, Amí Doan đã được nghe bố, mẹ, chú bác hát, kể khan, Ayray, chơi các loại nhạc cụ truyền thống rồi bà dần đam mê và học theo.

Không những biết kể khan, hát Ay ray, các bài múa của dân tộc mình, Ami Doan còn thuộc các bài cúng Yàng như: cúng sức khỏe, cúng cầu mưa, cúng mong được mùa màng tốt tươi. Bà cũng chơi thành thạo các loại nhạc cụ như: chiêng Kram, đing năm, đing buôt, đing Tăk ta và nhiều nhạc cụ khác. Bà còn sưu tầm và lưu giữ được nhiều cổ vật của người Êđê như: ché 100 năm tuổi, Kọ bung, các loại kèn đing năm, đing tút, chiêng Kram... Thậm chí, những dụng cụ phục vụ lao động sản xuất đã trải qua biết bao mùa rẫy như gùi, xà gạc, bầu nước, nia, se chỉ, lẫy hạt, bộ khung dệt, dao… cũng được bà và gia đình giữ gìn một cách cẩn thận.

Say mê văn hóa truyền thống của dân tộc mình như thế, thấy thế hệ trẻ bây giờ không mặn mà với văn hóa cội nguồn, Amí Doan cảm thấy rất buồn. Đau đáu trước nguy cơ mai một nét đẹp truyền thống, từ năm 2008, Amí Doan đã đứng ra tuyên truyền, vận động mở lớp dạy sử thi, kể khan, hát Ay ray, các bài múa cho người dân trong và ngoài buôn. Từ các lớp học này, nhiều người dân trong buôn đã bắt đầu làm quen, tìm hiểu và say mê với văn hóa của dân tộc mình. Như chị H'Minh Ayun, dù ở tận buôn Bling, xã Cư M'gar, vẫn đều đặn 2 buổi tối/tuần chạy xe máy hơn 20 km đến nhà Amí Doan học kể khan, hát Ay ray với khao khát biết để truyền lại cho con và chị em trong buôn. Hay anh Y Doan Niê, trước chẳng mặn mà với kể khan, hát Ay ray mà chỉ thích âm nhạc hiện đại, sau khi  được Amí Doan tuyên truyền, vận động, phân tích, anh thấy mình phải có trách nhiệm lưu giữ nét đẹp văn hóa của ông cha để lại.

Mong muốn của Amí Doan là các cơ quan chức năng quan tâm, mở thêm nhiều lớp dạy văn hóa truyền thống cho lớp trẻ, để bản sắc văn hóa của người Êđê tiếp tục được lưu giữ, phát huy.

Nay Lynh – Công Phong


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.