Multimedia Đọc Báo in

Trục lúa ngày mùa

15:35, 22/07/2017

Trục lúa có nghĩa là dùng trâu kéo hai cục đá lăn để hạt lúa rụng ra khỏi bông lúa. Công việc này tuy có nhàn nhã hơn gặt lúa ngoài đồng nhưng lại khá đơn điệu, buồn tẻ.

Có lẽ nên nói một chút về công việc gặt lúa ngoài đồng. Trước kia người ta cắt lúa bằng chiếc hái. Gặt lúa bằng hái khá chậm, lại mất công phải cắt rạ lần nữa; vì vậy sau này khi tiến lên làm ăn theo phương thức hợp tác xã lớn, người nông dân dùng liềm cắt sát gốc rạ rồi đặt chiếc đòn gánh lên ngang đon lúa xén rời rạ và bông lúa; phần rạ để lại phơi ở ngoài đồng. Lúa gặt đến đâu được tốp thanh niên trẻ khỏe gánh ngay về sân kho hợp tác xã. Khi số lượng lúa đã đủ cho một “mẻ trục” thì việc trục lúa cũng bắt đầu. Các đon lúa được giũ rời theo hình vòng tròn trên một khoảng sân rộng chừng hai trăm mét vuông. Xong xuôi, người ta mắc chiếc đòn eo vào vai con trâu có hai dây thừng kéo hai cục đá lăn. Một người dong trâu đi vòng tròn trên sân lúa, sao cho “khép lớp”, nghĩa là chỗ lúa nào cũng được đá lăn lên. Cứ khoảng ba mươi phút thì “trở rơm”, dùng nạng ngà (thân cây tre nhỏ như cán cuốc, một đầu được chẻ dọc khoảng hai mươi phân rồi tách ra để gẩy rơm, rạ) xóc rơm cho lúa rơi xuống và rơm được xốp, đồng thời những bông chưa rụng hết thì được tiếp tục lăn đá.

Công việc dong trâu đi vòng quanh hàng vài trăm vòng (một mẻ) như vậy thường được giao cho bọn trẻ con. Ba thằng dong ba con trâu, cách nhau khoảng năm mét nên chúng vẫn có thể nói chuyện với nhau được. Đủ thứ chuyện: lớp sáu của thằng Thắng có cô giáo Hồng mới về xinh lắm. Cô Hồng năm ấy mười tám tuổi, người xã Khánh Hòa, học xong khóa sư phạm văn mười cộng hai thì được điều về xã Khánh An dạy. Cô ấy đã có người yêu, cuối năm thì cưới. Bọn học sinh nam trong lớp không thích cô Hồng lấy chồng vì chỉ muốn cô ấy là “của riêng” chúng nó thôi. Mà cái lão người yêu của cô Hồng xấu đui à, chẳng xứng với cô Hồng xinh gái chút nào; giá như cô ấy lấy thầy Quý dạy toán thì có phải xứng đôi hơn không. Thằng Hòa thì than vì nó hay nói chuyện riêng trong giờ học nên bị cô chủ nhiệm xếp ngồi cùng bàn giữa con Liên và con Hiền suốt ngày ăn quà dưới hộc bàn, khi thì trái táo, lúc quả khế chua làm Hòa ta chảy nước dãi. Còn thằng Đệ vốn sợ cóc, bị đứa nào chơi xấu trói con cóc tía bỏ trong gầm bàn, Đệ ta sờ phải, mặt nó tái đến không còn giọt máu, mách thầy chủ nhiệm nhưng nói không ra tiếng, cứ khóc hu hu… Cứ vậy, nhiều khi mải nói chuyện khiến cho đường dong trâu không chuẩn, bị người lớn hò, dọa trừ điểm vào ngày công hôm ấy. Có lần thằng Thong dong con trâu đực to như bò mộng, không để ý nên con trâu chồm lên nhảy trâu cái phía trước khiến chiếc trục đá bị gãy làm đôi. May sao người lớn đến kịp tách hai con trâu ra, Thong ta không bị đá lăn vào chân nhưng phải hứng một trận mắng té tát và bố Thong phải bỏ tiền làm lại chiếc trục đá bị gãy cho đội. Bà mẹ Thong tiếc tiền, lôi Thong ra đánh một trận sưng mông đít.

Ấn tượng nhất là những buổi trục lúa đêm trăng. Ngày ấy nông thôn không có điện nên ánh trăng vàng dát lên cảnh vật như miền cổ tích, trăng sáng soi khiến mọi thứ đều lấp lánh ánh bạc. Gió thoảng từng đợt mát rượi, rặng tre quanh sân kho rì rào như kể chuyện, ngọn tre lấp loáng dưới trăng. Tiếng hai hòn đá lăn quay quanh trục kêu cót két, tiếng nạng ngà trở rơm lào xào xen tiếng nói chuyện rì rầm của các chị, các cô (ngày ấy nam thanh niên trai tráng đều lên đường nhập ngũ nên làng quê chỉ còn đa số phụ nữ đảm nhiệm việc ruộng đồng). Về khuya, sương xuống mát lạnh khiến đôi mắt của bọn trẻ như muốn díp lại. Nếu không phải dong trâu thì giờ này hoặc là chúng đang chơi trò bắt quân, đánh trận giả dưới trăng, hò hét đến khản cả giọng, hoặc là đã đánh một giấc ngon lành. Khoảng mười một giờ đêm thì việc trục lúa cũng đã xong, đến công việc giũ rơm của người lớn. Rơm giũ xong được chia thành từng đống theo số hộ trong đội; mỗi đội có khoảng năm chục hộ thì cũng là ngần ấy đống rơm quây tròn quanh sân để sáng hôm sau người của mỗi hộ ra gánh về. Chuyện làm ăn theo phương thức hợp tác xã cũng đã có nhiều chuyện dở khóc dở cười chung quanh cái việc chia rơm. Có một quy định “bất thành văn” mà những  người làm công việc giũ rơm sau khi trục lúa đều ngầm hiểu và bảo nhau cùng thực hiện, đó là khi giũ thì gẩy nhẹ nạng ngà để lúa không rơi hết, còn vương lại trong rơm để đống rơm nào cũng còn lại hai đến ba cân thóc, khi gánh rơm về nhà thì coi như số thóc vương ấy nghiễm nhiên trở thành của nhà mình. Sản lượng thóc của chung hợp tác xã do vậy đã thấp lại càng thấp.

Rơm giũ xong, thóc được cào mỏng ra sân để phơi khô và nhập kho, một phần chia theo số điểm của xã viên cộng nhập cuối mùa, phần còn lại nộp thuế cho Nhà nước. Thuế được giao theo chỉ tiêu kế hoạch đã được tính trước từ đầu vụ. Thiếu đâu thì thiếu, hụt đâu thì hụt, nhưng đã là chỉ tiêu nộp thuế thì coi như là pháp lệnh, mỗi đội, mỗi hợp tác xã phải thực hiện nghiêm túc và tự giác. Và có lẽ cái việc gian dối về số thóc sót trong các đống rơm kia chỉ có người lớn biết, còn bọn trẻ con vốn vô tư nên xong công việc là về đánh một giấc thẳng cẳng; để tối hôm sau lại tiếp tục cái công việc dong trâu vòng quanh sân kho một cách tự giác và buồn tẻ vốn chẳng hợp với cái tính hiếu động của chúng một chút nào…

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.