Multimedia Đọc Báo in

Tự hào là lính tàu săn ngầm

19:00, 30/08/2016

Một trong những “cánh chim đầu đàn” của Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân là tàu 09 - con tàu được mệnh danh là “cá kình trên mọi vùng biển, đảo”. Cán bộ, chiến sĩ tàu 09 luôn đoàn kết một lòng, đạt danh hiệu “tàu huấn luyện giỏi” suốt 5 năm liền, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc

Có dịp theo tàu 09 đi tập luyện bắn đạn thật trên biển mới cảm nhận được nỗi vất vả gian lao của những người lính tàu săn ngầm. Thật khó hình dung những lính trẻ khi ở đất liền quần áo tươm tất, thảnh thơi nhưng chỉ sau hai giờ hành trình huấn luyện trên biển, họ trở thành những pháo thủ thiện xạ, tai đeo ốp chống tiếng ồn, mắt căng thẳng quan sát mục tiêu, ôm súng canh gác trong sóng gió. Trung tá Mai Ngọc Hợi, Chính trị viên tàu 09 chia sẻ chân thành: “Đã là lính biển thì phía trước là Tổ quốc, phía sau là hậu phương nên bất kể điều kiện tình huống nào cũng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mỗi lần tàu xuất phát ra khơi là được sống đúng nghĩa và cống hiến hết mình”

Phút giải lao của lính tàu săn ngầm.
Phút giải lao của lính tàu săn ngầm.

 Một ngày mới của cán bộ, chiến sĩ tàu 09 thường bắt đầu từ lúc 5 giờ 30 sáng và kết thúc vào lúc 21 giờ 30, trong đó phần lớn thời gian là dành cho công tác huấn luyện. Thời gian biểu này đã rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ có tác phong nhanh nhẹn, khoa học và bản lĩnh chính trị vững vàng. Chính trị viên, Trung tá Mai Ngọc Hợi chia sẻ: “Lính tàu săn ngầm thời gian sinh hoạt, huấn luyện bao giờ cũng chặt hơn, nhưng đó chính là “các khâu, các bước” để rèn luyện người lính trở thành thiện chiến, sức chịu đựng dẻo dai, tác phong nhanh nhẹn”.

Có lẽ vì chế độ nghiêm ngặt như thế nên lính tàu săn ngầm bao giờ cũng chính quy, hiện đại, tác phong nhanh nhẹn hơn song cũng có nhiều thiệt thòi hơn so với lính ở đơn vị khác. Nhiều sĩ quan có gia đình ở ngay thành phố Vũng Tàu, đơn vị cách nhà chỉ 10 km song có khi cả tháng mới về thăm gia đình một lần vì đơn vị luôn trực chiến sẵn sàng chiến đấu. Những cán bộ, chiến sĩ ở những vùng quê xa, chỉ có thể về thăm gia đình vào dịp nghỉ phép. Nhiều lần tàu đi qua vùng biển quê hương, trong lòng đau đáu nhớ thương bố mẹ nhưng các chiến sĩ cũng đành ngậm ngùi gửi nỗi nhớ theo sóng biển hành trình.

Chăm chú quan sát mục tiêu trên biển.
Chăm chú quan sát mục tiêu trên biển.

Sóng gió như một “thuộc tính” gắn với lính tàu săn ngầm. Với lính trẻ lần đầu tiên đi biển huấn luyện thì đây cũng là một thử thách khốc liệt mà họ phải vượt qua. Có chiến sĩ bước chân xuống tàu đã phải nôn thốc nôn tháo vì không ngửi được mùi dầu từ hầm máy xộc lên, có chiến sĩ “say sóng nằm liệt giường” khi tàu đang trên hành trình ra khơi huấn luyện. Song, mặc say sóng mệt nhoài, ý chí tinh thần đi biển của chiến sĩ nào cũng cao, quyết tâm “tinh thần cao hơn sóng biển”. Trước khi về tàu 09 thực tập, Thượng sĩ Ninh Thế Anh (quê ở Ninh Bình, đến từ Học viện Kỹ thuật Quân sự Bộ Quốc phòng) đã có 10 tháng học chuyên ngành Ngư lôi khoa vũ khí dưới nước và nhiều lần bơi biển ở Học viện Hải quân Nha Trang, nhưng lần đầu tiên theo tàu đi biển huấn luyện bắn đạn thật, Thế Anh vẫn say sóng ngất ngư. Dù bị sóng biển “quật” đến “bầm dập” nhưng anh vẫn cố gắng hết sức học hỏi tính năng tác dụng kỹ chiến thuật của vũ khí chống ngầm. Thế Anh chia sẻ: “Đi biển mới hiểu được nỗi cực nhọc của lính biển. Mỗi lúc sóng to gió lớn, chúng tôi phải gồng mình, nhiều đêm ôm súng đứng gác trên mũi tàu 3 giờ liên tục trong mưa biển. Nhưng phải trải qua gian khổ mới trưởng thành được”. Trung sĩ Trịnh Xuân Nam, chiến sĩ pháo tàu thì luôn cảm thấy sung sướng mỗi khi đi biển. Khi khoác áo hải quân vẫy vùng cùng sóng nước, người chiến sĩ quê ở cao nguyên Đắk Lắk này mới thỏa lòng yêu biển của mình. Bởi vậy, trong thời gian ở tàu săn ngầm, ngoài nhiệm chuyên môn của chiến sĩ pháo tàu, Nam còn trau dồi kiến thức hàng hải tàu biển, xem đó là hành trang quý báu để sau rời quân ngũ sẽ cống hiến phục vụ cho xã hội.

Những ngày tháng 7, cán bộ chiến sĩ tàu săn ngầm 09 dấy lên phong trào thi đua sôi nổi “Mỗi người làm một bằng hai, huấn luyện tốt, kỷ luật nghiêm, nền nếp chính quy tốt” lập thành tích chào mừng 50 năm Ngày thành lập Lữ đoàn 171 Hải quân anh hùng. Hơn 3 năm gắn bó với tàu là ngần ấy thời gian Trung úy trưởng ngành hàng hải Lê Quang Duy vật lộn với sóng gió. Anh luôn tự hào được khoác trên mình màu áo hải quân. Mỗi lần tàu rẽ sóng ra khơi đứng tác nghiệp trên tấm hải đồ là mỗi lần mồ hôi đẫm áo vì tập trung làm việc căng thẳng nhưng chính lúc đó, Duy lại cảm thấy niềm kiêu hãnh dâng tràn vì được cống hiến sức trẻ của mình cho Tổ quốc. Là “lính cựu” của tàu 09, Trung sĩ Lưu Văn Hiếu, chiến sĩ ngành pháo tàu luôn tự hào vì được làm lính tàu săn ngầm. Bởi chính nơi này đã rèn luyện Hiếu từ một thanh niên từ quê nghèo xứ Nghệ thành một người lính có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn và tác phong làm chủ cuộc sống. Hơn một năm đồng cam cộng khổ cùng đồng đội, ngoài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, điều mà Hiếu trân trọng, tự hào nhất là được cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Anh tâm sự: “Những ngày làm nhiệm vụ ở tàu săn ngầm là quãng thời gian đẹp đẽ nhất trong đời tôi. Tới đây tôi sẽ xuất ngũ, nhưng những gì tôi được huấn luyện, rèn luyện, học tập ở tàu, là hành trang để tôi tạo dựng nghề nghiệp sau này. Dù ở cương vị nào, tôi luôn tự hào vì mình đã làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc”.

Tuấn Cường


Ý kiến bạn đọc