Multimedia Đọc Báo in

Vào lãnh địa bò tót Ea Sô

10:50, 04/02/2016

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô có diện tích 27.800 ha với địa hình đặc trưng là những vùng núi trung bình xen lẫn các vùng rừng thưa bằng phẳng với nhiều trảng cỏ lớn - đây là dạng sinh cảnh phù hợp cho các loài thú lớn sinh sống. Ở đây có nhiều loài động vật đang bị đe dọa ở mức độ toàn cầu như bò tót, bò rừng, rái cá lông mượt, vọoc bạc. Đặc biệt, đây là nơi có quần thể bò tót lớn của Việt Nam. 

Anh Lê Đắc Ý, Giám đốc Khu BTTN Ea Sô đồng ý để tôi vào khu vực bò tót thường xuyên xuất hiện vào mùa khô để tìm hiểu. Anh nói trước: “Mới đầu mùa khô, thức ăn của bò tót đang nhiều, chúng phân tán đi kiếm ăn nên rất khó gặp. Muốn gặp được bò tót phải có duyên, nhiều khi chúng nhìn thấy người vẫn nhởn nhơ gặm cỏ, nhưng có lúc nghe hơi người là chúng chạy trốn vào các lùm cây”.

Rời trụ sở của Khu BTTN, tôi được anh Trần Huy Đặng,  đội phó đội Kiểm lâm cơ động Khu BTTN Ea Sô chở bằng xe máy vào vùng lõi của Khu bảo tồn, khu vực mà kiểm lâm thường thấy bò tót xuất hiện.  Đi được quãng đường khoảng 5 km bắt gặp một con dốc, anh Đặng nói, dốc này có tên là Dốc bò tót, vì những năm trước bò tót hay đi qua đây, cũng có người đi đường đã bị chúng tấn công, kiểm lâm phải làm một biển cảnh báo cho người qua đường. Bây giờ bò tót ít về đây hơn do xe cơ giới chạy nhiều trên QL 29 gây ra tiếng ồn làm chúng sợ.

Tuần tra rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Tuần tra rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Mất hơn 1 tiếng đồng hồ vượt quãng đường rừng lởm chởm đá, vây quanh là những trảng cỏ mênh mông chúng tôi đến được Trạm Kiểm lâm số 5. Đó là một căn nhà cấp 4 nhỏ, nằm cách trụ sở vườn 25 km, do đường xa lại bận rộn với công tác quản lý bảo vệ rừng nên các kiểm lâm ở đây một tháng chỉ ra ngoài được một lần. Tại trạm chỉ còn hai kiểm lâm là Bùi Thanh Tính và Đào Anh Văn ở lại canh trạm, còn những kiểm lâm khác đang phải túc trực tại lán tạm nằm giáp ranh với tỉnh Gia Lai cách đó 3 giờ đi bộ để ngăn chặn lâm tặc. Mùa khô bắt đầu nên lâm tặc từ các tỉnh Gia Lai, Phú Yên ồ ạt “kéo quân” vào Khu bảo tồn để khai thác gỗ. 

Trời  bắt đầu nhá nhem tối, chúng tôi thống nhất sẽ ngủ lại ở đây, ngày mai xuất phát đi “tìm” bò.  Dưới ánh điện chập chờn từ máy phát điện, anh Tính, cán bộ kiểm lâm của trạm khoe mình có “duyên” nhiều lần gặp được bò tót, có lần còn giáp mặt chúng nữa. Anh kể: Cách đây hai năm, anh cùng một đồng đội đi tuần tra rừng bằng xe máy, xe đang bon bon chạy thì bất ngờ nghe tiếng động lớn phát ra từ trong lùm cây, dừng xe lại thì thấy một con bò tót to lớn vọt qua đường. Lần khác thì thấy chúng lững thững đi qua đường, phải tắt máy chờ chúng kéo qua rồi mới dám đi. Nhiều lần, bò tót kéo về bãi cỏ trước trạm ăn, uống nước rồi ngủ lại ở đó luôn. Tuy nhiên, không phải tất cả kiểm lâm của Khu bảo tồn đều may mắn gặp được bò tót. Nhưng “may mắn” gặp được bò tót như trường hợp kiểm lâm Hoàng Công Ý thì chẳng ai muốn khi gặp phải “gã” bò tót quá hung dữ, húc anh đến gãy xương. Vào sáng 5-10-2011, anh Ý cùng đồng đội Đặng Đình Từ trong lúc đi tuần tra bảo vệ rừng, khi đến khúc cua của tiểu khu 634 (Phân khu phục hồi sinh thái) hai người bất ngờ bị một con bò tót đực to lớn lao ra tấn công. Khi đó, anh Từ  may mắn tránh được, còn anh Ý không kịp né nên bị bò húc trúng ngay người ngã gục.  Bò tót không buông tha mà húc thêm mấy cái nữa rồi mới bỏ đi. Anh Ý được đưa đến bệnh viện trong tình trạng gãy xương sườn số 9 bên trái, xương chậu trái, bầm dập chân tay, mặt mũi... 

Biết tôi muốn vào rừng tìm bò, anh Tính cho biết: “Rừng rộng mênh mông nên may mắn lắm mới nhìn được thấy chúng, chỉ có đến chỗ “chuồng bò” may ra mới nhìn thấy chúng, hoặc dấu vết chúng để lại”. Anh giải thích: “Chuồng bò”, thực chất là một chiếc hố giữa rừng, qua theo dõi cán bộ kiểm lâm phát hiện ở vị trí này nhiều lần bò thường tập trung về đây vào mùa khô để liếm đất. Nhiều nhà khoa học đến đây nhận định khả năng trong đất bãi này có một số loại khoáng chất cần thiết để bổ sung cho cơ thể bò tót, nên chúng mới tập trung về đây để ăn. Ở trong Khu BTTN Ea Sô hiện có 3-4 “chuồng bò” như thế này. Theo anh Tính, trong các tiểu khu mà trạm này kiểm soát có tới bảy đàn bò tót, bò rừng. Mỗi đàn bò rừng từ 5 đến trên 17 con. Số lượng bò tót ít hơn, chúng sống đơn lẻ hay đàn nhỏ chỉ 5 đến 8 con.

Trời sáng, chúng tôi được đánh thức bởi tiếng gáy của gà rừng, tiếng vượn hót làm náo động cả khu rừng. Sau bữa cơm sáng, chúng tôi khăn gói đạp rừng đi tìm “chuồng bò”; trước khi đi anh Đặng không quên nhắc, đừng mặc áo quần, hay mũ đỏ, bởi bò tót rất nhạy cảm với màu này nên dễ bị chúng tấn công. Ban đầu, những cán bộ kiểm lâm trong đoàn xác định vị trí bãi muối khoáng chỉ cách trạm khoảng 30 phút đi bộ, nhưng mất hơn hai tiếng mỏi cả chân, tìm mỏi cả mắt mà vẫn không ra, anh Đặng xác định chúng tôi đã đi lạc hướng. “Giờ chỉ còn cách gọi trạm phó Tùng về thôi! Anh ấy là người rành nhất về khu vực này”, anh Tính quyết định. Chừng 1 giờ sau, anh Tùng có mặt dẫn đoàn đi.  Khoảng 1 giờ đi bộ, “chuồng bò” hiện ra trước mắt là một hố sâu chừng nửa mét, rộng khoảng 10 m bao quanh bởi những cây căm xe cao vút. Kỹ lưỡng tìm kiếm xem có dấu vết bò tót để lại, rồi anh Tùng mừng rỡ chỉ vào cây căm xe mọc cạnh “chuồng bò” trên đó in rõ những vết mòn trên vỏ cây cao ngang ngực người và nói đó là do bò tót từng nhiều lần dùng thân mình cọ xát vào đó. “Chỉ có bò tót to lớn mới tạo ra những dấu vết này, không có loài thú nào ở đây có thể cao như thế”, anh Tùng khẳng định. Có lẽ do mùa khô mới bắt đầu, các đồng cỏ vẫn chưa cháy nên đàn bò đang phân tán kiếm ăn ở những nơi khác nên chưa về đây. Chỉ khi nào đồng cỏ khô cháy, bò mới tập trung về đây kiếm ăn và liếm muối khoáng. 

Trong câu chuyện trước lúc rời khỏi Ban Quản lý Khu BTTN, Giám đốc Lê Đắc Ý chia sẻ điều mong mỏi của tất cả anh em giữ rừng ở đây: Từ trước đến nay đơn vị vẫn chưa có một dự án nào để thống kê xem đàn bò tót có bao nhiêu cá thể mà mới chỉ có một số đợt điều tra, khảo sát đơn lẻ về các khu vực phân bố của chúng. Hiện tại, đơn vị đang tập trung vào công tác quản lý, bảo vệ rừng còn việc bảo tồn, nghiên cứu các chủng loại, sự phát triển của chúng thì rất cần một dự án quy mô, bài bản. 

Một điều đáng mừng trong câu chuyện của anh là lực lượng kiểm lâm vẫn thường xuyên thấy bò tót, trong đó, có thêm những con bò tót con. Mới đây thôi, Trạm kiểm lâm số 4 phát hiện một con bò tót mẹ dẫn con đi ăn trên trảng cỏ, điều này cho thấy đàn bò tót ở đây vẫn sinh sản để bảo tồn nòi giống.

Bò tót (tên khoa học  Bos gaurus, tên địa phương là min), là động vật thuộc bộ Guốc chẵn (Artiodactyla), họ Trâu bò (Bovidae) mình đen, chân trắng. Con trưởng thành cao trung bình 1,8-1,9m, dài trung bình khoảng 3 m, nặng hơn 1 tấn. Hiện tại ở Việt Nam còn khoảng 300 con bò tót trong tự nhiên và là loài nguy cấp cần bảo vệ.

 

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc