Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường: Lan tỏa những cách làm hay

14:46, 26/06/2017

Hội thảo “Phụ nữ các tôn giáo Tây Nguyên chung tay bảo vệ thiên nhiên, môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới” diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột vào đầu tháng 6-2017, các đại biểu đã chia sẻ những cách làm, mô hình hay góp phần bảo vệ môi trường.

Giữa năm 2015, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) triển khai mô hình “Buôn tôi xanh – sạch – đẹp” tại buôn Trắp,  xã Ea Đrông với việc trồng 100 cây sao đen dọc hai bên đường buôn với chiều dài 500 mét (trị giá 13 triệu đồng). Sau hơn 2 năm thực hiện, từ 1 buôn thí điếm, đến nay mô hình “Buôn tôi xanh – sạch – đẹp” được Hội LHPN thị xã đã nhân rộng ra 9 buôn tham gia với hơn 500 cây xanh được trồng ven các tuyến đường có tổng chiều dài 2,5 km. Sự thành công của mô hình là thông qua việc huy động kinh phí, ngày công lao động của các cán bộ, hội viên, phụ nữ và tín đồ tôn giáo cùng tham gia thực hiện đã mang lại những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động; đặc biệt, đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác bảo vệ, chăm sóc để hình thành những tuyến đường xanh. Không chỉ thế, Hội LHPN thị xã còn xây dựng trên 20 mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường như: tổ phụ nữ thu gom rác thải, con đường hoa, sống xanh, phụ nữ thực hành tiết kiệm từ phế liệu…

Phụ nữ tôn giáo các tỉnh Tây Nguyên trồng cây xanh tại khuôn viên Đài tưởng niệm liệt sỹ thôn Kiên Cường, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột.
Phụ nữ tôn giáo các tỉnh Tây Nguyên trồng cây xanh tại khuôn viên Đài tưởng niệm liệt sỹ thôn Kiên Cường, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột.

Với phụ nữ ở Chi hội 1, 2 Thánh Mẫu, phường 7, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ khi triển khai mô hình “Tiết kiệm xanh” tình hình ô nhiễm môi trường đã được cải thiện đáng kể. Để bảo đảm vệ sinh chung, hội viên phụ nữ không chỉ chăm chút, dọn dẹp rác thải trong nhà mà còn trồng cây xanh, hoa cảnh ở sân vườn cũng như hai bên lề đường; đồng thời, vận động các gia đình không bỏ rác ra đường; mỗi nhà đều ý thức phân loại rác thải, quét dọn phần đường lộ trước mặt nhà… Theo chị Lê Thị Lệ Thanh Chi hội trưởng, nhờ thực hiện mô hình “Tiết kiệm xanh”, hai bên tuyến đường ở các chi hội này không còn xuất hiện những túi rác thải mà thay vào đó là hình ảnh những loài hoa khoe sắc và nhiều cây xanh tạo bóng mát. Một điều đặc biệt nữa là thông qua việc hội viên, phụ nữ cùng tập kết phế liệu thải ra của gia đình tại các điểm quy định để bán ve chai vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa tạo nguồn kinh phí giúp đỡ những hoàn cảnh thiếu may mắn trong cuộc sống. Cách làm này đã được phụ nữ các chi hội khác trên địa bàn thành phố học tập và làm theo.

Một cách làm hay cũng được nhiều đại biểu, đặc biệt là phụ nữ các địa phương tìm hiểu làm theo là mô hình “Phân loại và xử lý rác thải  gắn với vườn rau dinh dưỡng, cây xanh tại hộ gia đình” của Hội LHPN huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông). Chỉ với mảnh đất vườn từ 10 - 40 m2, mỗi gia đình phụ nữ đều có thể tạo nguồn rau xanh an toàn phục vụ bữa ăn hằng ngày cho cả nhà. Hơn thế nữa còn tận dụng được nguồn phân compost tạo ra trong quá trình xử lý rác hữu cơ để nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng cho vườn rau cũng như tiết kiệm chi phí, tạo cảnh quan xanh tươi, thân thiện môi trường. Hiện nay, trong tổng số hơn 15.000 hội viên toàn huyện thì có gần 9.000 gia đình hội viên phụ nữ đã và đang áp dụng mô hình này.

Có thể nói, thông qua hội thảo này, các cán bộ hội viên Hội phụ nữ 5 tỉnh Tây Nguyên đã có thêm những thông tin bổ ích, cách làm hay trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường để ứng phó trước biến đổi khí hậu; đồng thời, đây cũng là cách tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ đoàn kết, tham gia các phong trào, hoạt động Hội.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc