Multimedia Đọc Báo in

Trung đoàn thép trên đất Tây Nguyên (Kỳ II)

05:54, 10/12/2013

Kỳ 2: Chốt chặn địch trên cao điểm 519, mở thông “cánh cửa thép” trên đèo Phượng Hoàng*

Được tôi rèn trong chiến đấu, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 25 ngày càng vững vàng, hăng say luyện tập các phương án tác chiến. Bản lĩnh kiên cường, anh dũng của chiến sĩ Trung đoàn đã góp phần tích cực cho chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột…

Tải hàng chuẩn bị cho chiến dịch

Cuối tháng 9, đầu tháng 10-1974, thu hoạch lúa nương xong, được lệnh cấp trên, cả Trung đoàn 25 di chuyển đi gùi thồ chuẩn bị cho mùa chiến dịch mới. Đối với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, những chuyến đi gùi thồ cho các đơn vị bạn trong mặt trận là nhiệm vụ thường xuyên, vài ba tuần lại về, lại bám địch đánh nhau. Nhưng lần này không như mọi lần. Khi giao nhiệm vụ, cấp trên nhấn mạnh các chiến sĩ Trung đoàn 25 phải di chuyển tuyệt đối bí mật, an toàn.

Cả Trung đoàn phải vận tải hàng hóa, trang thiết bị vũ khí, đạn dược từ khu Ea Súp – kho Ea Khanh, vượt đường 14 qua buôn Run tập kết tại kho ở khu rừng Ôrô bên bờ sông Krông Năng gần giáp đường 21 – quốc lộ nối từ Dak Lak xuống Khánh Hòa (Quốc lộ 26 hiện nay). Toàn bộ Trung đoàn hạ quyết tâm không để mất người, mất hàng, không để hàng rơi vào tay địch và phải thật an toàn. Phương án đi đường được quán triệt rất rõ: trinh sát tìm hiểu những vị trí địch thường hay cho thám báo, máy bay L19 thám sát để kịp thời báo cho chỉ huy xử lý tình huống; dùng mảng vượt sông suối và phải cất giấu ngay sau khi bộ đội gùi hàng đi qua; chia thành từng tổ vượt những bãi đất trống vào buổi sớm để địch không phát hiện được… Toàn bộ chiến sĩ Trung đoàn cài lá ngụy trang và không ai được vứt lá ngụy trang dọc đường; đại đội trưởng thu hết bật lửa, diêm để trên đường đi có ai thèm thuốc cũng không có lửa để hút. Cứ như thế suốt 3 tháng trời, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 25 hoàn thành nhiệm vụ vận tải một cách an toàn, bí mật. Hàng trăm tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược đã được tập kết về kho tại rừng Ôrô.

Tết năm ấy, đón xuân 1975, Trung đoàn đón tết có cả bánh kẹo và thuốc lá từ miền Bắc gửi vào. Đêm giao thừa, cả đơn vị quây quần bên chiếc radio nghe Bác Tôn chúc Tết. Xúc động rưng rưng, các cán bộ, chiến sĩ ai cũng củng cố quyết tâm “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Vững vàng trên cao điểm 519

Ngày 25-2-1975, Trung đoàn 25 nhận nhiệm vụ mới: cắt đường 21 trên cao điểm 519 thuộc huyện Khánh Dương, Khánh Hòa (nay là huyện M’Drak). Toàn Trung đoàn củng cố công sự, đào hầm kiên cố cho các vị trí quan trọng như: trạm xá, khu thu dung, bếp anh nuôi, kho dã chiến…, hoàn thành chỉ trong vòng một tuần.

Ngày 2-3-1975, theo lệnh của thủ trưởng Trung đoàn, các đơn vị áp sát đường 21, trinh sát bám địch, bám đường, bí mật đào công sự ban đêm. Đúng 4 giờ 30 ngày 5-3-1975, tiểu đoàn 01 nổ súng tiêu diệt gọn đại đội bảo an ở đồn Cư Sê; tiểu đoàn 02 phá hai lô cốt đầu cầu số 2, công binh Trung đoàn đánh sập cầu với phương châm tiêu diệt địch; tiểu đoàn 03 nhanh chóng chiếm điểm cao 519 và khống chế khu vực chân núi Cư Pa. Toàn Trung đoàn tạo thành tuyến phòng thủ: tiểu đoàn 01 đánh chặn đầu, tiểu đoàn 03 đánh khóa đuôi, tiểu đoàn 02 đánh quyết chiến điểm. Địch bị đánh bất ngờ rất hoang mang, cả ngày 5-3-1975 chúng không có động tĩnh gì, chỉ cho máy bay L19 trinh sát.

Sáng ngày 6-3-1975, địch nã pháo vào khu vực đồn Cư Sê và cao điểm 519. Không thấy ta phản ứng, chúng huy động máy bay ném bom lên cao điểm 519 và những vị trí nghi ngờ lực lượng ta đóng quân. Địch huy động tiểu đoàn 207 pháo binh bắn đi trước rồi chúng ồ ạt xông thẳng vào vị trí cầu số 2; bất ngờ từ 3 phía, tiểu đoàn 02 (Trung đoàn 25) tấn công không cho chúng rút, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắt sống tên tiểu đoàn trưởng, thu nhiều vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự. Không còn đường tiến buộc địch phải quay lại huyện lỵ Khánh Dương, tiểu đoàn 01 cùng công binh phá cầu số 1 theo bản đồ tác chiến của Trung đoàn. Ngày hôm sau, địch huy động hàng chục chiếc máy bay A37, F5E trút hàng chục tấn bom xuống cao điểm 519, pháo của địch bắn vào toàn tuyến phòng thủ của Trung đoàn. Địch huy động tiểu đoàn 145, tiểu đoàn 228 có xe tăng thiết giáp yểm trợ hùng hổ tiến đánh trực diện và tuyến phòng thủ của Trung đoàn. Bị quân ta tiến công từ nhiều hướng, địch lại phải quay lại huyện lỵ Khánh Dương. Những ngày sau đó, địch liên tục huy động máy bay trực thăng đổ quân, thả hàng chục tấn bom, bắn hàng trăm quả pháo vào cả vùng đóng quân của Trung đoàn. Nhưng trước sự kiên cường của các chiến sĩ Trung đoàn 25, địch không thể lọt qua được cao điểm 519, ngay cả một tên thám báo…

Ngày 10-3-1975, nhận tin mừng “Buôn Ma Thuột được giải phóng”, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 25 lại càng chắc tay súng, quyết tâm ngăn chặn không cho địch tiếp ứng lên Buôn Ma Thuột. Ngày 11-3-1975, địch huy động đến 11 tiểu đoàn lính biệt động, lính dù dàn hàng ngang dưới sự yểm trợ của pháo binh, xe tăng, máy bay trực thăng với quyết tâm phá tuyến phòng thủ của Trung đoàn hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột. Chúng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của ta, tiểu đoàn 03 vẫn kiên cường “Một tấc không đi, một li không rời” trên cao điểm 519, buộc địch phải rút lui. Ngày 16-3, một tiểu đoàn thám báo của địch đã vượt chân núi Cư Pa, cố sống cố chết định tiêu diệt lực lượng ta nhưng lại thất bại. Các chiến sĩ tiểu đoàn 03 đã chiến đấu anh dũng, đẩy lùi bọn thám báo về huyện lỵ Khánh Dương. Hàng trăm tên lính Trung đoàn 45 ngụy bị thất thủ ở Buôn Ma Thuột trá hình trong 150 chiếc xe vận tải của dân, giấu súng đạn với mục đích đánh đằng sau lưng Trung đoàn 25 nhưng cũng không thoát khỏi sự cảnh giác của các chiến sĩ Trung đoàn.

(Xem tiếp trang 4)

Trần Việt Thành

 

Công binh Trung đoàn đánh sập cầu số 4, tiểu đoàn 03 nhanh chóng bắn, đốt cháy toàn bộ đoàn xe. Những tên lính ngụy xuống xe chạy trốn vào rừng bị lực lượng bộ đội địa phương và lực lượng tiểu đoàn truy lùng bắt sống.

Trong khi tiểu đoàn 03 vẫn kiên cường bám trụ cao điểm 519, tiểu đoàn 01 đã nhận lệnh vượt đường 21 áp sát chi khu quân sự huyện lỵ Khánh Dương, tiểu đoàn 02 vòng phía tây bắc chiếm lĩnh đỉnh đèo Phượng Hoàng. Đúng 4 giờ 30 ngày 22-3-1975, tiểu đoàn 01 đã phá tan cửa mở chi khu quân sự huyện lỵ Khánh Dương, các cỡ pháo của ta bắn cấp tập, chỉ trong vòng 30 phút ta đã giải phóng huyện lỵ Khánh Dương.

Mở “cánh cửa thép” trên đèo Phượng Hoàng

Bị thất thủ ở Buôn Ma Thuột, địch đã huy động Sư đoàn dù 02 từ Huế vào trấn ải đèo Phượng Hoàng mà tướng ngụy đã mệnh danh là “cánh cửa thép”. Bọn lính ở quân trường Dục Mỹ cũng được đưa lên trấn ải, có cả xe tăng, xe bọc thép và pháo tăng cường yểm trợ. Địch huênh hoang: “cánh cửa thép” tại đèo Phượng Hoàng đã được đóng lại.

Nhận lệnh của thủ trưởng Trung đoàn 25, tiểu đoàn 02 đã bí mật hành quân chiếm lĩnh đỉnh đèo Phượng Hoàng. Vì tính chất bí mật, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn không được trở lại lấy lương thực, phải ăn cây búng báng cả một tuần lễ nằm chờ lệnh.

Từ 4 giờ sáng 29-3-1975, pháo của ta đã bắn công kích, cấp tập đèo Phượng Hoàng. Lần đầu tiên bị đánh bất ngờ bằng các loại pháo lớn: hỏa tiễn ĐKB, hỏa tiễn H12 nên địch phản pháo không chính xác. Pháo ta và pháo địch từ trên đỉnh đèo Phượng Hoàng quyết chiến ác liệt. Trong lúc đó, tiểu đoàn 01 đánh sốc vào sườn đông, tiểu đoàn 03 cùng với xe tăng thiết giáp của Sư đoàn 10 đánh chính diện. Chỉ trong 1 giờ đồng hồ, “cánh cửa thép” đèo Phượng Hoàng đã bị đập tan. Sư đoàn dù 02 của địch bị đánh tơi tả, Lữ đoàn dù 03 bị tiêu diệt, hàng trăm tên địch bị bắt sống.

Trung đoàn 25 theo đại đoàn quân tiến về đồng bằng giải phóng miền Nam.

(còn nữa)

Trần Việt Thành 


Ý kiến bạn đọc