Multimedia Đọc Báo in

Cổ kính Bagan

09:25, 28/07/2019

Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) vừa công nhận cố đô Bagan của Myanmar là Di sản thế giới sau gần 25 năm quần thể chùa tháp này được đề cử vào danh sách.

Bagan là một thành phố nằm ở miền Trung Myanmar. Bagan vốn là kinh đô của vương quốc Pagan tồn tại từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13 ở khu vực này. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 13 - thời kỳ hoàng kim của Vương quốc Pagan, đã có tới hơn 4.000 ngôi chùa, đền và tu viện được xây dựng. Đến ngày nay, trải qua sự tàn phá của thời gian, chỉ còn tồn tại 2.200 ngôi đền, tháp và nhiều vết tích, phế tích của các công trình kiến trúc cổ. Vì vậy, Bagan hiện nay được coi như một “thành phố khảo cổ” đặc sắc, độc đáo nhất của Myanmar, thu hút rất nhiều khách du lịch trên thế giới đến chiêm ngưỡng, khám phá.

Trong hàng nghìn di tích kiến trúc ở Bagan, ấn tượng nhất là 3 ngôi đền tháp quy mô, tiêu biểu, có giá trị lịch sử và nghệ thuật như Dhammaygyi, Thatbyinnyu, Ananda. Đền Dhammaygyi là công trình kiến trúc đồ sộ nhất, rộng nhất ở Bagan. Tương truyền rằng năm 1170 nhà vua Narathu khi cho xây ngôi chùa này đã tuyên bố: “Nếu để một cái kim có thể xuyên qua đường nối giữa hai viên gạch thì người thợ xây đó sẽ bị phạt”. Biên niên sử Myanmar ghi lại rằng trong lúc công trình xây dựng chùa đang tiến triển, nhà vua bị ám sát bởi Sinhales nên nó không kịp hoàn thành. Hầu hết những phần chính, cửa tò vò, mái vòm của công trình kiến trúc này đến nay vẫn còn lành lặn. Đền Dhammaygyi được xem là biểu trưng cho ánh sáng của Đức Phật. Do đó, chùa này được hiểu về mặt nguồn gốc như Dhammaramsi, tia sáng của Phật pháp.

Những tòa tháp ẩn mình trong sương sớm.
Những tòa tháp ẩn mình trong sương sớm.

Đền Ananda do Kyansittha xây năm 1091 là ngôi đền đẹp và tôn nghiêm nhất Myanmar. Đền này được người dân Myanmar coi là biểu trưng cho sự uyên thâm, trí tuệ vô bờ bến của Đức Phật. Ban đầu nó có tên Ananta sau thay đổi thành tên Ananda, tên người anh em họ của Đức Phật. Đây chính là ngôi đền được bảo quản tốt nhất và còn nguyên vẹn nhất cho đến nay.

Quần thể đền Ananda này có vẻ đẹp rực rỡ đến nỗi từ xa tất cả các du khách đã bị hút mắt vào nó. Ngôi đền có 4 cổng, mở về 4 hướng, có kiến trúc hình thập tự. Mỗi bức tượng ở đây mang dáng dấp khác nhau, ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc… Tổng số bức tượng bên trong ngôi đền lên đến 1.424 bức. Tại các hốc tường ở hành lang hiện hữu những bức tượng minh họa Đức Phật từ lúc sinh ra đến thời đại Khai sáng. Trên tầng cao hơn tô điểm thêm 891 tấm bản tráng men miêu tả những câu chuyện Jataka. Trong ngôi đền có một số bức tượng được đắp bằng vàng lá.

Đền Thatbyinnyu là ngôi đền cao nhất ở Bagan. Thatbyinnyu có nghĩa là “thông suốt mọi sự” là một trong những thuộc tính của Đức Phật. Chùa được xây dựng tại Bagan vào giữa thế kỷ 12 sau Công nguyên bởi vua Alaungsithu - cháu trai và là người nối ngôi vua Kyansittha - người xây dựng nên đền Ananda. Đứng cách đền Ananda 500 thước về phía tây nam, đền Thatbyinnyu nổi lên hơn hẳn so với các ngôi đền khác. Công trình có 5 tầng, tầng thứ nhất và tầng thứ hai là nơi cư trú của các thầy tu,  tầng thứ năm là nơi chứa các thánh tích, di vật thiêng liêng, một số tầng còn lại là nơi chứa tro cốt của các sư từng trụ trì nơi đây.

Khinh khí cầu chở du khách ngắm cảnh bình minh ở Bagan.
Khinh khí cầu chở du khách ngắm cảnh bình minh ở Bagan.

Điều đáng ngạc nhiên là trải qua cả nghìn năm nhưng các đền tháp ở Bagan đều giữ được nét dáng kiến trúc thuở ban đầu. Có lẽ vì khí hậu ở đây khô nên các công trình được bảo tồn tốt hơn so với những công trình đền tháp tọa lạc nơi ẩm thấp. Nhiều ngôi đền ở Bagan đang ở trạng thái trùng tu và được bảo tồn để chống xuống cấp song kỹ thuật trùng tu còn khá lạc hậu, thủ công do chính bàn tay những người dân Myanmar thực hiện. Với người dân Myanmar, công việc này không hẳn là phục chế lại một công trình do chính tổ tiên xây dựng từ thời xa xăm, mà còn là sự thể hiện của lòng tôn kính với Đức Phật, của sự mộ đạo trong mỗi con người Myanmar.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.