Multimedia Đọc Báo in

Đặc sản dưa núi của đồng bào Hmông Tây Bắc

08:53, 27/07/2019

Đồng bào Hmông ở các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La có tập quán phát nương rẫy trồng các loại cây trồng như: cải nương, bí đỏ, ngô, đỗ... Trong đó, có một giống quả quý được đồng bào gìn giữ từ mùa này sang mùa khác, đó là giống dưa chuột quả to được trồng trên nương đồi.

Loại dưa này được người Hmông gieo trồng vào thời điểm tháng 4, tháng 5 dương lịch, đến khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7 là thu hoạch. Giống dưa này được đồng bào trồng trên núi cao, ưa đất màu mỡ tự nhiên, nhất là vào những khoảnh đất mới đốt nương. Bà con dùng dao hoặc cuốc rạch đất rồi gieo hạt xuống không theo hàng lối gì mà chỉ trồng kín diện tích đất nhà mình rồi để cho dưa mọc tự nhiên trên đất núi.

Loại dưa núi của người Hmông Bảo Yên có đặc tính chịu hạn tốt, ưa đất núi màu mỡ, nhất là đất sau khi đốt nương. Khi trồng, bà con không cần tưới hay bón bất kỳ một loại phân nào. Dưa nhờ vào màu mỡ của đất núi để sinh trưởng và phát triển. Người ta cũng không cần bắc giàn mà để cho dưa mọc tự nhiên sát mặt đất.

 

Dưa núi được bày bán ở chợ phiên.
Dưa núi được bày bán ở chợ phiên.

Loại dưa núi của đồng bào Hmông ra rất nhiều quả, một gốc dưa có thể đậu tới hàng chục quả. Quả dưa dài và to, thân quả nằm sát đất mà lớn lên. Quả to có trọng lượng từ 1 - 2 kg. Dưa có màu trắng, có quả có đường viền dọc quả dưa, có quả không có đường viền. Cùi dưa núi dày hơn các loại dưa thường, ăn mềm, giòn, lõi có màu xanh tươi, khi ăn có vị thơm mát. Loại dưa này vừa năng suất, vừa chất lượng nên được các bà nội trợ rất ưa chuộng. Đặc điểm của giống dưa này là độ tươi non duy trì được lâu, có khi để hàng tháng vẫn không bị già, bổ ra trong lõi hạt vẫn non. Vì thế, đồng bào thường đợi đến chợ phiên mới hái dưa mang đi bán.

Vào mùa thu hoạch dưa, trên những triền núi, tiếng cười nói của người Hmông vang khắp những nương dưa. Những trái dưa to, trắng vàng bò lăn lóc khắp đồi nương. Có quả to như bắp chuối rừng, cầm lên chắc nịch. Có quả vỏ ngoài vàng óng do nắng chiếu vào, nhìn ngoài tưởng đã già nhưng bên trong vẫn còn non. Đồng bào thu hái dưa, cho vào gùi rồi đeo xuống núi, sáng hôm sau cho ngựa thồ xuống bán tại chợ phiên.

Vào những phiên chợ mùa hạ, dưa núi là đặc sản không thể thiếu trên các sạp hàng. Đến chợ phiên, du khách có thể tự tay mình bổ những quả dưa núi để thưởng thức rồi chọn mua những trái dưa mình ưng ý. Giá bán dưa núi của đồng bào thường từ 8.000 – 10.000 đồng/kg.

Dưa núi cũng là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của đồng bào Hmông. Trên mâm cỗ của đồng bào cũng không thể thiếu dưa núi làm nộm chua ngọt, xào thịt gà, nấu canh cua hay bổ ra làm đồ tráng miệng sau bữa ăn rất ngọt mát.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.