Multimedia Đọc Báo in

Trống đất của người Cor

17:31, 13/06/2020

Việc đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng. Năm nào gặp thời tiết bất lợi gây hạn hán, đồng bào Cor ở huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) lại làm trống đất, tổ chức lễ cầu mưa, mong trời cho mưa để hạt giống nảy mầm và phát triển tốt.

Thuở xưa, trong quá trình đào đất chôn cột làm nhà sàn, người Cor nghe được âm thanh thình thình của tiếng đào đất dội lại thật lạ tai nên đã nghĩ tới việc làm trống đất. Từ đó, trống đất đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành nhạc cụ thiêng liêng trong đời sống của dân tộc Cor.

Nghi thức đánh trống đất cầu mưa của người Cor.
Nghi thức đánh trống đất cầu mưa của người Cor.

Trống đất của người Cor được làm từ 5 mo cau, có đường kính khoảng 18 cm để trên 5 miệng lỗ đào dưới đất theo dạng hình chum trên một mặt đất phẳng, có độ sâu khoảng 30 cm, mỗi lỗ có đường kính khoảng 20 cm, cách nhau cũng chừng một gang tay xếp thành hai hàng. Hàng trước 2 lỗ, hàng sau 3 lỗ. Dùng 5 mo cau đậy lên miệng lỗ làm mặt trống. Sau đó, lấy một chiếc lạt tre chốt một đầu và xâu qua chính giữa 5 mo cau đó. Mặt trống được ghim xuống đất bằng 4 que tre sau đó được ép phẳng kín với mặt đất bằng 4 chiếc nẹp nứa. Cách tâm của mặt trống chừng 10 cm về hai phía, lấy sợi dây rừng nhỏ buộc căng vào hai đầu của 2 chiếc que vừa đóng rồi kéo sợi dây từ mặt trống buộc căng chặt lên sợi dây rừng. Hai chiếc que buộc với sợi dây rừng có chức năng như một cần âm thanh. Âm thanh của trống đất phụ thuộc vào độ kín của mặt trống, độ căng của sợi dây cũng như đường kính, độ dài của sợi dây, chiều rộng, chiều sâu của hố đất và độ mịn, quánh, dẻo của đất cũng có tác động lên âm thanh của trống.

Theo quan niệm của người Cor, 5 chiếc trống đất là đại diện cho 5 vị thần: Trời, Mây, thần Mưa, Đất và Người. Theo phong tục, chỉ có già làng mới được đánh trống đất. Trước khi đánh trống đất, già làng thực hiện nghi lễ cúng đất vào những lúc nắng hạn để cầu xin ông trời cho mưa thuận gió hòa. Khi trời có sấm sét thì già làng đánh trống đất cho tới khi trời mưa mới thôi. Khi đánh trống, già làng tay cầm dùi gõ lên mặt trống. Đối với các trống đất đại diện cho bốn vị thần Trời, Mây, Mưa, Đất thì gõ 7 tiếng; riêng trống đại diện cho thần Người thì phải gõ 9 tiếng. Từ mặt trống, âm thanh của nó qua sợi dây lạt truyền xuống đất. Những âm thanh trầm bổng được ngân dài và vang xa, có lúc âm rền dữ dội, có lúc khoan thai.

Đối với người Cor, trống đất thực hiện trong lễ cầu mưa rất linh thiêng và đồng bào tin rằng những tiếng trống đất sẽ mang những lời cầu nguyện của dân làng đến các vị thần linh để sớm ban mưa cho mọi vật được sinh sôi, xanh tốt. Đó cũng là cách người Cor thể hiện tấm lòng thành của mình với trời, đất, với thiên nhiên núi rừng. Vì thế, trống đất có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, góp phần gắn kết con người với thần linh.

 Nguyễn Văn Sơn


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.