Multimedia Đọc Báo in

Trân quý văn hóa truyền thống dân tộc

08:00, 21/02/2021

Với mong muốn bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc, bà H’Jơn Niê ở buôn Ea Nhái (xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc) gìn giữ các "báu vật" của gia đình.

Hiện tại, bà H’Jơn đang sống trong căn nhà dài hơn 30 mét, cầu thang gỗ lên nhà vẫn được gia đình bà sử dụng. Trước hiên nhà dài có hai bộ cối, chày giã gạo hàng chục năm tuổi. Ngay lối vào cửa chính nhà sàn là bếp nam với ghế Kpan ngắn, phía trên treo các "báu vật" gồm: chiêng, khiên, túi đao… Hai bên nhà dài bà H’Jơn đặt ghế Kpan dài, trống lớn, ché dùng để trưng bày… Phía cuối nhà dài là bếp nữ với nồi đồng, ché rượu đang ủ.

Ngôi nhà dài của bà H'Jơn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống.
Ngôi nhà dài của bà H'Jơn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống.
“Mình đã cố gắng gìn giữ, nhắc nhở con cháu quý trọng các "báu vật" của dân tộc, nhưng rất lo lắng khi thế hệ trẻ không mấy mặn mà với văn hóa truyền thống”.
 Bà H’Jơn Niê, buôn Ea Nhái, xã Ea Knuếc

Bà H’Jơn Niê tự hào, thân sinh bà là trưởng buôn Ea Nhái, thường tham gia hoạt động văn hóa của buôn và các buôn lân cận nên gia đình có khá đầy đủ những “báu vật” truyền thống của người Êđê từ đồ dùng thường ngày để nấu nướng trong lễ hội, khung cửi dệt vải đến các nhạc cụ dân tộc. Bản thân bà H’Jơn được tiếp cận, tìm hiểu và tham gia nhiều lễ hội, nghi lễ của người Êđê. Những hồi ức về mùa rẫy, mùa "ăn năm uống tháng" in đậm trong tâm trí, thôi thúc bà suy nghĩ, trăn trở về việc gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc bằng nhiều cách khác nhau.

Căn nhà dài xuống cấp, gia đình bà đã xây dựng căn nhà xây khang trang, kiên cố bên cạnh nhưng bà H’Jơn vẫn ở trong nhà dài truyền thống. Ngày ngày, bà nhóm bếp nữ để thổi cơm, nấu thức ăn, nước uống cho cả gia đình như truyền thống nhiều đời nay. Vài tháng, bà lại ủ một mẻ rượu cần từ 2 - 4 ché để uống và tặng người thân. Các cuộc họp gia đình hằng năm vẫn được duy trì và tổ chức trong nhà dài, con cháu cùng quây quần bên bếp lửa để nướng thịt, trò chuyện, lắng nghe bà H’Jơn kể chuyện về văn hóa truyền thống, các lễ hội, nguồn gốc của chiếc trống lớn hàng chục năm tuổi được đổi bằng 2 con trâu, bộ chiêng đổi bằng 3 con trâu lớn, nồi đồng đổi bằng 2 con heo lớn...

Bà H’Jơn Niê tâm sự, cha bà là người có uy tín trong buôn, luôn làm gương trong việc gìn giữ các "báu vật" của dân tộc mình. Có những thời điểm gia đình đối mặt với đói ăn, thiếu mặc do thiên tai, mất mùa và cả người "săn" cổ vật đến hỏi mua với giá lên đến hàng chục triệu đồng cho mỗi "báu vật" nhưng bà kiên quyết không bán vì đã gắn bó với nhiều thế hệ trong gia đình mình.

 

Bà H’Jơn Niê (bên phải) vẫn sử dụng bếp nữ để nấu cơm cho cả gia đình.  
Bà H’Jơn Niê (bên phải) vẫn sử dụng bếp nữ để nấu cơm cho cả gia đình.

Điều bà H’Jơn trăn trở nhất là ngôi nhà dài mỗi ngày một xuống cấp, trong khi hàng chục "báu vật" đang được lưu giữ tại đây.  Và tần suất tổ chức các lễ hội cứ thưa dần, thậm chí một năm, vài năm không có lễ hội nào được tổ chức nên chiêng, trống không được đánh, nồi đồng cứ nằm yên trong góc nhà bụi phủ đầy, vài tháng bà lại đem ra lau chùi rồi… đem vào cất giữ.

Bà H’Jơn mong muốn Nhà nước quan tâm phục dựng các lễ hội mừng lúa mới, cúng sức khỏe, cúng bến nước… để các “báu vật” được ''sống lại", tạo không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống cho buôn làng, cộng đồng, giúp thế hệ trẻ người Êđê hiểu, trân quý văn hóa của dân tộc mình.

Bà H’Minh Ayun, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Knuếc cho biết, qua khảo sát sơ bộ ở địa phương hiện vẫn còn nhiều gia đình gìn giữ các “báu vật” truyền thống, và gia đình bà H’Jơn Niê là một điển hình. Không chỉ gìn giữ “báu vật” cho con cháu mai sau, gia đình bà H’Jơn còn hỗ trợ về nhân lực, dụng cụ để phục dựng lễ cúng bến nước do địa phương tổ chức.

Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.