Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Thực hiện đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, tránh trục lợi

15:11, 02/11/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 2/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đại biểu thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025;…

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 và các quan điểm phân bổ vốn đầu tư công trung hạn.

Theo đại biểu, việc thực hiện đầu tư công thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH (KT-XH). Tuy nhiên, trên tổng thể, công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện từ công tác xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và giải ngân. Trình tự, thủ tục trong đầu tư công cũng như các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, đấu thầu, chi ngân sách khoáng sản còn nhiều vướng mắc. Nguồn vốn đầu tư còn phân tán, nhiều chương trình chưa ưu tiên tập trung tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ các công trình hạ tầng chiến lược trọng điểm… 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu cho rằng, vấn đề quan trọng là việc đầu tư phải đúng mục tiêu, từng công trình dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng áp lực giải ngân bằng mọi giá. Điều này càng có ý nghĩa khi mà nguồn lực của đất nước có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật xã hội là rất lớn để đất nước phát triển theo kịp với các nước trong khu vực. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Cho rằng công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong thời gian qua, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh những thành công đó, đại biểu bày tỏ một số băn khoăn, trăn trở về thu ngân sách, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh như thuế VAT mặc dù số thu lớn nhưng số hoàn cũng lớn, quy trình hành thu phức tạp, tốn kém, diễn ra ở nhiều khâu trung gian; thu rồi khấu trừ, thu lại phải hoàn; chi phí cho thu, chi phí cho hoàn và kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu... Do đó đại biểu đề nghị cần xem xét giải quyết căn cơ vấn đề này vì quá trình đó có thể tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Bàn về phát huy vai trò của thành phần kinh tế nhà nước, đại biểu nêu quan điểm: Thành phần kinh tế nhà nước cần phải là nhà đầu tư chính cho các dự án hạ tầng giao thông chiến lược. Bởi thành phần kinh tế nhà nước có lợi thế tuyệt đối so với các nhà đầu tư khác về thời hạn thu hồi vốn đối với dự án đầu tư thông thường, chủ doanh nghiệp kinh tế tư nhân khi ra quyết định đầu tư thường chỉ tính thu hồi vốn trong khoảng 10 năm, cá biệt có thể lên đến 20 hay 25 năm; nhưng đối với nhà nước thời gian thu hồi vốn có thể lên đến 50 năm thậm chí 70 đến 100 năm.

Đây là một lợi thế tuyệt đối trong đầu tư. Lợi ích đem lại của các dự án hạ tầng chiến lược về giao thông là lợi ích tổng hợp đa mục đích cả KT-XH, thậm chí cả quốc phòng an ninh và chính trị. Lợi ích này không thể tính toán hết được về mặt kinh tế, trong khi với nhà đầu tư tư nhân, việc quyết định đầu tư chỉ được xem xét khi giá trị hiện tại dòng của dự án dương.

Với công nghệ thu phí như hiện nay, việc quản lý nguồn thu được khai thác các dự án giao thông chiến lược như đường cao tốc, cầu cảng biển, cảng hàng không đều dễ dàng được thực hiện và giám sát chặt chẽ nên thành phần kinh tế nhà nước quản lý sẽ không gặp phải thất thoát, loại trừ được cái gọi là thất bại thị trường của kinh tế nhà nước…

Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Vì vậy, đại biểu đề xuất Chính phủ cần có giải pháp để đột phá phát huy vai trò của thành phần kinh tế nhà nước là nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, cũng như quản lý vận hành khai thác các dự án này.

Một số đại biểu cho rằng, cần bố trí ngân sách đảm bảo ổn định chế độ cho các lực lượng ở cấp cơ sở. Theo đại biểu, trong giai đoạn 2022 - 2025, một số chính sách do trung ương ban hành chưa kịp bố trí trong ngân sách địa phương ngay trong đầu giai đoạn ổn định ngân sách, dẫn đến việc ngay sau khi chính sách có hiệu lực thi hành, các địa phương phải sử dụng nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ khác để kịp thời chi trả chế độ cho đối tượng phù hợp. Đến nay một số chính sách, chế độ mới do trung ương ban hành và thực hiện làm tăng chi ngân sách địa phương. Điều này gây áp lực cho các địa phương rất lớn.

Đại biểu cũng nêu thực tế, đối với nguồn vốn đối ứng các chương trình mục tiêu quốc gia và việc xây dựng trụ sở, trang thiết bị làm việc cho công an các xã, tuy nhiên các địa phương chưa cân đối được ngân sách, rất khó khăn trong việc đảm bảo nguồn lực để bố trí theo quy định.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu nêu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Về chính sách tăng lương ở cơ sở, nhiều địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và nguồn lực ngân sách địa phương đã ban hành một số chính sách cho các đối tượng cụ thể theo lương cơ sở, như chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài biên chế do cấp huyện cấp tỉnh đang hợp đồng tại các cơ sở giáo dục công lập để đảm bảo tỷ lệ giáo viên đứng lớp; hay chính sách chi trả phụ cấp cho khuyến nông viên cơ sở; chính sách chi phụ cấp kiêm nhiệm cho HĐND các cấp. Mặt khác, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, nhiều cán bộ dôi dư phải có chính sách hỗ trợ vẫn chưa giải quyết xong...

Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét đồng ý với đề xuất của Chính phủ tăng bổ sung cân đối cho các địa phương 2% so với dự đoán năm 2023, để giảm bớt khó khăn cho các địa phương đang nhận cân đối từ ngân sách trung ương…

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia; tăng cường công tác giải ngân vốn đầu tư công; cân đối hài hòa nguồn thu cho chính quyền địa phương; khơi thông những ách tắc, tồn đọng trong hoàn thuế giá trị gia tăng; tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc