Multimedia Đọc Báo in

Danh xưng “phu nhân” – dùng sao cho đúng?

08:37, 28/12/2023

Phản ánh hoạt động trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân mới đây (từ ngày 12/12 đến 13/12/2023), có báo đã chạy tít: “Phu nhân Ngô Thị Mận và phu nhân Bành Lệ Viên thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam”.

Tít bài báo khiến nhiều người có ý kiến trên mạng xã hội nên sau đó đã được chỉnh sửa lại: “Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam”.

Về nghĩa của từ “phu nhân”, Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) định nghĩa: “Phu nhân. Từ dùng để gọi vợ người có địa vị cao trong xã hội. Phu nhân của tổng thống. Ngài bộ trưởng và phu nhân.”.

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và phu nhân Bành Lệ Viên đến sân bay Nội Bài. Ảnh/Vietnamnet
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và phu nhân Bành Lệ Viên đến sân bay Nội Bài. Ảnh/Vietnamnet

Trong hoạt động giao tiếp, “phu nhân” có thể dùng độc lập, thay cho chủ thể được nhắc đến trong câu. Ví dụ: Ngài bộ trưởng và phu nhân. Hoặc dùng kèm trước chức danh của người chồng. Ví dụ: Phu nhân chủ tịch nước. Không dùng “phu nhân” đi liền trước tên riêng của người (vợ) được gọi là phu nhân. Do đó, việc tác giả viết “Phu nhân Ngô Thị Mận”, “phu nhân Bành Lệ Viên” sẽ khiến độc giả hiểu là “vợ (của) Ngô Thị Mận”, “vợ (của) Bành Lệ Viên”.

Phu nhân của nguyên thủ quốc gia còn được gọi với danh xưng trang trọng khác: “đệ nhất phu nhân”. Trong trường hợp này, đứng liền sau cụm từ “đệ nhất phu nhân” có thể là tên riêng của “phu nhân”. Ví dụ: “Đệ nhất phu nhân Melania Trump sẽ rời Nhà Trắng với tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong 4 năm qua, theo khảo sát từ CNN” (VnExpress.net); “Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee luôn tỏa sáng trong mỗi lần xuất hiện nhờ nhan sắc, khí chất và gu thời trang tuyệt vời của mình” (kenh14.vn)…

Vài ý kiến nho nhỏ, giúp bạn đọc hiểu rõ thêm về từ “phu nhân” để việc sử dụng được chuẩn mực hơn.

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc