Multimedia Đọc Báo in

Phát huy hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm

16:27, 29/11/2023

Thời gian qua, từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, nhiều người dân trên địa bàn huyện M’Drắk đã từng bước vượt qua được khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình.

Những năm trước đây, nguồn thu nhập của gia đình chị Nguyễn Thị Thu và anh Nguyễn Bá Vân (tổ dân phố 4, thị trấn M’Drắk) chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng trồng ngô, lúa. Tuy nhiên do thời tiết thất thường, hết hạn hán lại đến mưa lũ nên hoa lợi mang lại không đáng kể.

Năm 2021, nắm được thông tin gia đình thuộc đối tượng vay vốn giải quyết việc làm, gia đình anh chị đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để mua bò về chăn nuôi. Cộng với số tiền tích cóp, gia đình anh chị mua 3 con bò, làm chuồng trại, trồng cỏ để chăn nuôi sinh sản. Nhờ chăm sóc chu đáo nên đàn bò sinh trưởng khỏe mạnh, chỉ thời gian ngắn sau đã sinh được 2 con bê.

Khi bê lớn lên, gia đình chị bán lấy tiền để xoay vòng vốn, còn 3 con bò mẹ để lại để tiếp tục gây đàn. Chị Thu phấn khởi: “Nhờ được vay vốn giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi, thời gian vay lại hợp lý nên giờ đây kinh tế gia đình cũng đã ổn dần lên. Mặc dù bò không còn được giá cao như trước, nhưng tận dụng được phế phẩm để làm phân bón cho vườn cây, công chăm sóc cũng không vất vả lắm nên tôi có thời gian để làm các công việc khác, góp phần cải thiện kinh tế cho gia đình”.

Chị Nguyễn Thị Thu (tổ dân phố 4, thị trấn MDrắk) chăm sóc đàn bò của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thu (tổ dân phố 4, thị trấn M'Drắk) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Tương tự, hộ gia đình anh Đào Văn Hữu và chị Đào Thị Nhạn (tổ dân phố 4, thị trấn M’Drắk) cũng được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ việc làm vào năm 2019. Từ nguồn vốn này, gia đình anh chị đã đầu tư mua cây giống, phân bón để trồng 1ha keo lai và 1ha sắn. Chỉ sau 3 năm, 1ha keo lai đã cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí mang lại thu nhập cho gia đình anh Hữu khoảng 60 triệu đồng.

Bên cạnh trồng rừng thì anh Hữu còn làm thêm nghề nhôm sắt, thợ hồ để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đến nay, gia đình anh đã có thu nhập ổn định mỗi năm gần 100 triệu đồng. Điều kiện kinh tế phát triển nên anh chị đã nuôi 2 con ăn học đàng hoàng, mua sắm các vật dụng hiện đại phục vụ cuộc sống hằng ngày, gia đình anh cũng đã vươn lên thoát nghèo.  

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện M’Drắk kiểm tra tính hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm tại gia đình anh Đào Văn Hữu (tổ dân phố 4, thị trấn M’Drắk).
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện M’Drắk kiểm tra tính hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm tại gia đình anh Đào Văn Hữu (tổ dân phố 4, thị trấn M’Drắk).

Dù chỉ mới được giải ngân vay vốn giải quyết việc làm, nhưng theo chia sẻ của chị H’Thoa Byă (buôn Hí-Đứk, xã Cư M’ta) thì gia đình mình đã “lãi” trông thấy. Theo đó, vào năm 2022 gia đình chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng để mua 2 con bò sinh sản, đầu tư trồng 1ha keo lai và 2 sào lúa nước. Nhờ siêng năng, chăm sóc chu đáo nên chỉ thời gian ngắn sau, con bò mẹ đã sinh được 1 con bê; vườn keo lai và ruộng lúa đã sinh trưởng tươi tốt hứa hẹn mang lại ngồn thu nhập đáng kể cho gia đình chị trong thời gian tới.

Ông Nông Tuấn Đạt, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện M’Drắk cho biết: Thực hiện Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ, thời gian qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã hỗ trợ nhiều đối tượng lao động yếu thế (hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo) trên địa bàn huyện tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh. Do M’Drắk còn là huyện nghèo, các cơ sở kinh doanh chưa nhiều nên nguồn vốn này chỉ tập trung cho các hộ gia đình vay để tạo công ăn việc làm, giải quyết lao động nhàn rỗi, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Trong năm 2022, Phòng giao dịch NHCSXH huyện M’Drắk đã cho 280 lượt khách hàng vay vốn với số tiền là 13 tỷ 595 triệu đồng; tổng dư nợ là hơn 21,1 tỷ đồng, trong đó không có nợ khoanh và nợ quá hạn. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến hết tháng 10/2023, đã có 96 lượt khách hàng vay vốn với số tiền 4 tỷ 790 triệu đồng; tổng dư nợ là hơn 24,5 tỷ đồng, không có nợ khoanh và nợ quá hạn.  

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện M’Drắk kiểm tra tính hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm tại gia đình chị H’Thoa Byă (buôn Hí-Đứk, xã Cư M’ta).
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện M’Drắk kiểm tra tính hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm tại gia đình chị H’Thoa Byă (buôn Hí-Đứk, xã Cư M’ta).

Theo ông Nông Tuấn Đạt thì qua kiểm tra, rà soát thì các hộ vay vốn đều đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả khi chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, mua con, cây giống, cải tạo vườn cây… để tăng thêm thu nhập trên tổng diện tích sẵn có của gia đình. Với những lợi thế như thời gian vay vốn dài (5 năm), thủ tục và điều kiện tiếp cận nguồn vốn đơn giản, lãi suất thấp… đã giúp cho nhiều gia đình từng bước vượt qua khó khăn, cải thiện đời sống, trả lãi và gửi tiết kiệm đầy đủ, đúng thời hạn.

Thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện M’Drắk sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của vốn vay tạo việc làm nói riêng, các chính sách tín dụng ưu đãi khác nói chung để các nguồn vốn vay ưu đãi này thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc