Multimedia Đọc Báo in

Cùng nông dân bắt nhịp chuyển đổi số

08:35, 03/04/2024

Việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thi đua ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) đang được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh chú trọng thực hiện.

Thay đổi tư duy

Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản đang trở thành xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp. Để CĐS nông nghiệp thành công cần thiết phải đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Người nông dân trong CĐS nông nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ lực mà còn là nhóm cần được quan tâm nhất.

Theo ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), xu hướng CĐS đang lan tỏa, HTX xác định muốn tồn tại và phát triển hơn nữa phải tận dụng thời cơ này.

“Thời kỳ đại dịch COVID-19 thì HTX gặp những khó khăn về sản xuất, kinh doanh, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, xuất phát từ đây, chúng tôi đã hình thành nên một hình thức sản xuất, kinh doanh không phải mới nhưng chưa được chú ý tới là kinh doanh online, kinh doanh thông qua các nền tảng số. Với hình thức kinh doanh này thì việc tiêu thụ sản phẩm trở nên dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn”, ông Trọng chia sẻ.

Cán bộ, hội viên nông dân tỉnh tham quan mô hình sản xuất của ông Phạm Ngọc Thân (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn).

Là một trong những nông dân tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ số vào mô hình sản xuất, ông Phạm Ngọc Thân (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) hiện đang phát triển kinh tế với mô hình trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng cho lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm.

Ông Thân cho hay: "Trải qua một hành trình dài phát triển kinh tế, tôi nhận thấy việc áp dụng công nghệ vào việc sản xuất là thực sự cần thiết. Ví như ứng dụng hệ thống tưới tự động, kiểm soát quy trình bón phân, thuốc…, từ đó kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, vừa tiết kiệm chi phí, mà sản phẩm sản xuất ra lại đạt chất lượng cao. Hơn hết, để sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ công nghệ số thì cần có vốn kiến thức về các nền tảng số. Và muốn được như vậy, người nông dân cần mạnh dạn hơn, thay đổi tư duy sản xuất, chủ động tiếp cận với công nghệ mới phù hợp để ứng dụng vào sản xuất, đời sống”.

Kết nối nông dân

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 114 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hàng chục cơ sở được cấp giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên các loại sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi; khoảng 150 HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; khoảng 34 doanh nghiệp và 276 trang trại, gia trại tham gia liên kết với doanh nghiệp; số nông dân tham gia liên kết gần 16.000 hộ...

Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) hướng dẫn các thành viên Tổ hợp tác trồng và chăm sóc mít Thái ghi chép sổ sách theo quy định để hỗ trợ cấp mã vùng trồng.

Với vai trò là cầu nối để người sản xuất nông nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại hướng tới CĐS trong nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị cho người nông dân những kiến thức cần thiết về chuyển đổi số để họ tự thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng khoa học - công nghệ cho hội viên nông dân.

Các cấp Hội còn phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới như: Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp, nông nghiệp kết hợp với dịch vụ...; hướng dẫn, xây dựng, nhân rộng các mô hình nông dân khởi nghiệp, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tổ liên kết sản xuất... tạo nên chuỗi giá trị, dần dần hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, HTX, xây dựng mối quan hệ bền chặt trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản.

Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức được hai tuần lễ giới thiệu, tiêu thụ nông sản tiêu biểu của tỉnh, để người sản xuất giới thiệu đến khách hàng sự phong phú của sản phẩm nông nghiệp địa phương, giới thiệu thông tin quy trình sản xuất, vùng trồng và tâm huyết của người nông dân trong quá trình trồng và chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi và trong từng sản phẩm theo quy trình khép kín có chứng nhận.

Để hỗ trợ hội viên, nông dân đưa sản phẩm có chất lượng lên sàn thương mại điện tử, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Chợ nông sản Đắk Lắk online tại trang thương mại điện tử Chonongsandaklak.vn. Đây là một kênh thông tin quan trọng, làm cầu nối giúp các thành viên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, giới thiệu hình ảnh, quảng bá thương hiệu, dịch vụ và sản phẩm của mình ra toàn quốc, hướng tới một giải pháp kinh doanh hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện.

Hội Nông dân tỉnh đã kết nối với các sở, ngành chức năng hỗ trợ các nông hộ đưa 1.659 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; có 42.895 giao dịch đã được thực hiện trên sàn thương mại điện tử và 252.205 hộ nông dân được đào tạo kỹ năng số...

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc